Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rất ít khách hàng đến giao dịch tại các đại lý S-Fone (ảnh chụp chiều 7-3 tại đại lý S-Fone trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom được biết đến với tên gọi quen thuộc là nhà mạng S-Fone, bắt đầu cung cấp dịch vụ từ tháng 7-2003. Lúc đó S-Fone đã rất được hi vọng sẽ đem lại bước phát triển mạnh mẽ cho thị trường viễn thông VN bởi thế độc quyền bị phá vỡ (lúc đó chỉ có hai mạng di động thuộc VNPT là MobiFone và Vinaphone). Những năm sau đó, S-Fone cũng đã tạo được nhiều bước tiến đáng kể trên thị trường.
Sớm nở chóng tàn
S-Fone ra đời từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai đối tác là Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) và SLD Telecom (trong đó SK Telecom chiếm phần lớn vốn). S-Fone trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ di động theo công nghệ CDMA tại thị trường VN. Các khách hàng thời đó đặc biệt có lợi vì có thêm một sự lựa chọn mạng di động mới. Sự ra đời của S-Fone ngay lập tức được bình chọn là một trong 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông nổi bật của VN trong năm 2003.
Thế nhưng đến năm 2010, đối tác SK Telecom tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone, đặt SPT vào cảnh vừa chống lưng cho S-Fone hoạt động vừa phải tìm đối tác để phát triển lâu dài. Từ đây S-Fone bắt đầu yếu dần mà một trong nhiều nguyên nhân theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp: “Thay vì tập trung đưa ra được những sự khác biệt mà công nghệ CDMA cho phép thì họ phải chiều theo các giới hạn của công nghệ cũ, lạc hậu đã bỏ đi. Điều đó khiến công nghệ này không có đủ các chức năng cần thiết để S-Fone cạnh tranh từ ban đầu”.
Ông Vũ Minh Trí, tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương và Thái Lan, phân tích: khó khăn đối với S-Fone không phải từ công nghệ CDMA mà nằm ở số lượng người sử dụng sau khi chuyển đổi hình thức kinh doanh từ hợp tác với SK Telecom sang hình thức liên doanh. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, số lượng người sử dụng ít cũng đều rất khó khăn. Riêng ở thị trường VN, ba doanh nghiệp lớn là MobiFone, Vinaphone và Viettel lại đang sử dụng công nghệ GSM (2G), WCDMA (3G) và họ luôn chiếm ưu thế vượt trội bằng các chương trình khuyến mãi lớn, thu hút mạnh người dùng khiến S-Fone càng thêm khó khăn.
Một số đại lý ngưng hoạt động
Ngày 7-3, trao đổi về tình hình hoạt động của mạng S-Fone, ông Phạm Tiến Thịnh, giám đốc điều hành, cho biết: Do quá trình liên kết, tối ưu hóa sử dụng truyền dẫn và các dịch vụ khác liên quan diễn ra trong một thời gian dài và rất phức tạp về kỹ thuật nên chất lượng dịch vụ của S-Fone đã ít nhiều bị ảnh hưởng, một vài khu vực có thể bị gián đoạn. Ban lãnh đạo S-Telecom đã và đang thực hiện những biện pháp khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất có thể để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay S-Fone đang trong giai đoạn cuối hoàn tất công tác chuyển đổi mô hình hoạt động để đáp ứng với xu thế phát triển hiện tại cũng như trong tương lai. Do đó, có một số đại lý S-Fone tạm thời ngưng hoạt động. Tuy nhiên, tổng đài dịch vụ của S-Fone vẫn luôn sẵn sàng 24/24g để lắng nghe và giải đáp tất cả mọi thắc mắc, yêu cầu của khách hàng trên toàn quốc.
* Việc đảm bảo liên lạc cũng như công tác chăm sóc khách hàng hiện nay gần như bỏ ngỏ, S-Fone đang gặp nhiều khó khăn?
- S-Fone hiện phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế. Chúng tôi đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện và đẩy mạnh hợp tác với những đối tác lớn trong và ngoài nước. Chính vì thế, như tôi đã nói ở trên, việc có một số đại lý S-Fone tạm thời ngưng hoạt động là điều không thể tránh khỏi trong quá trình tái cơ cấu. Do đó, dịch vụ khách hàng tại một số địa phương cũng gặp khó khăn hơn trước.
* Nếu không có nhà đầu tư nào trong thời gian dài sắp tới, SPT có đảm bảo được khả năng hoạt động của S-Fone?
- Tuy tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, nhưng SPT vẫn đủ tiềm lực để duy trì và phát triển mọi hoạt động của S-Fone. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, hiện S-Fone đang làm việc với một số đối tác chiến lược rất tiềm năng, chỉ là chúng tôi chưa thể công bố thông tin vì một số điều khoản thỏa thuận ràng buộc giữa các bên mà thôi.
S-Fone phải đền bù thiệt hại cho khách hàng
Theo quy định tại khoản 8 điều 10 của Luật bảo vệ người tiêu dùng, việc S-Fone cung cấp dịch vụ viễn thông kém chất lượng, gần như không thể liên lạc được, gây thiệt hại cho khách hàng thì S-Fone phải bồi thường các thiệt hại phát sinh cho khách hàng theo quy định của pháp luật dân sự.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6 điều 8 của Luật bảo vệ người tiêu dùng, việc điện thoại do S-Fone bán không có khả năng sử dụng cho những mạng khác do khác công nghệ thì khi bán cho khách hàng, S-Fone cần cung cấp thông tin cho khách hàng về khả năng sử dụng của những chiếc điện thoại đó theo quy định tại khoản 2 điều 8 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Trường hợp do S-Fone ngưng hoạt động mà gây thiệt hại thì phải bồi thường mọi thiệt hại phát sinh cho khách hàng. Đối với trường hợp S-Fone sáp nhập vào một nhà mạng khác thì nhà mạng nhận sáp nhập sẽ phải tiếp tục thực hiện đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ pháp lý của S-Fone đối với khách hàng, nghĩa là phải tiếp tục cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng cho khách hàng theo đúng cam kết trước đây của S-Fone đối với khách hàng.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU |