Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Choáng với giá xăng !

(08:59:27 AM 08/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Chiều 7-3, Bộ Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết do giá thế giới tăng quá cao.

 Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đều bất ngờ khi mức tăng quá cao.

Bảng giá xăng dầu sau khi tăng giá tại một cây xăng ở TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
 
“Quá bất ngờ và choáng với mức tăng giá xăng”. Đó là ý kiến của ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Ông Bình nhận định mức tăng này sẽ đánh trực tiếp vào “nồi cơm” của các tài xế taxi: “Giá xăng tăng như vậy thì mỗi ngày người lái xe trung bình phải bù lỗ 50.000 đồng. Với người lao động, mỗi tháng 1,5 triệu đồng là rất nhiều”.
 
Choáng với giá xăng dầu
Xăng tăng lên 22.900 đồng/lít
Theo quyết định của Bộ Tài chính, từ 16g ngày 7-3, xăng tăng 2.100 đồng/lít, từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít; diesel tăng 1.000 đồng/lít, từ 20.400 đồng/lít lên 21.400 đồng/lít; dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, từ 20.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít; mazut tăng 2.000 đồng/kg, từ 16.800 đồng/kg lên 18.800 đồng/kg.
Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng lùi thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu về mức 0%. Mặt khác, mức sử dụng quỹ bình ổn giá tất cả các chủng loại xăng dầu cũng giảm xuống bằng mức trích quỹ là 300 đồng/lít, kg. 
 
Trên thực tế, các hãng taxi ở Hà Nội đang phải chịu tác động kép từ việc tăng giá xăng và việc thành phố cấm hoạt động trên nhiều tuyến đường của thủ đô. Về phía hiệp hội, ông Bình cho biết sẽ họp bàn với các đơn vị nhằm hỗ trợ việc ổn định đời sống cho anh em tài xế, và sau đó mới tính toán, cân nhắc việc điều chỉnh giá cước căn cứ trên quyền lợi của cả ba bên: doanh nghiệp xăng dầu, người tiêu dùng và người lao động của chính các hãng taxi.
 
Theo ông Bình, với mức tăng giá xăng lên 22.900 đồng/lít thì chắc chắn giá cước taxi sẽ tăng khoảng 1.500-2.000 đồng/km. Ngay trong ngày 8-3, Hiệp hội Taxi Hà Nội sẽ họp các hãng xe trên địa bàn để có phương án tăng giá cước.
 
Còn ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, lo ngại ngành thép sẽ càng gặp khó hơn khi giá xăng dầu tăng thêm. Vì giá mazut tăng thêm 2.000 đồng/kg thì chi phí cho mỗi tấn thép sẽ đội thêm khoảng 80.000 đồng. Đó là chưa kể tác động của giá dầu máy, dầu diesel. Thế nhưng, việc tăng giá thép là không thể khi tiêu thụ mặt hàng này quá trầm lắng kể từ năm 2011 đến nay. Giá bán không thể tăng mà lãi suất cho vay còn khá cao, cộng thêm việc xăng dầu tăng giá, không ít doanh nghiệp sản xuất thép phá sản là điều dễ xảy ra.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, giá dầu diesel tăng khoảng 5% so với mức cũ thì giá cước vận tải hàng hóa sẽ tăng khoảng 2,2%. Tuy nhiên, để điều chỉnh ngay giá cước vận tải là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vì hầu hết hợp đồng đã được ký kết từ trước đó và muốn điều chỉnh phải thương thảo với khách hàng.
 
Người tiêu dùng lo lắng giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong thời gian tới (ảnh chụp tại cây xăng Trần Hưng Đạo, Hà Nội chiều 7-3) - Ảnh: Nguyễn Khánh
 
Khó kiềm chế lạm phát
 
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 2-2012 với lần điều chỉnh trước đó (ngày 10-10-2011) thì mức tăng từ 7-13%, riêng dầu thô tăng tới 21,73%. Đáng chú ý là những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2012 giá đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong chín tháng gần đây. Xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới. Trong khi đó, chúng ta không còn biện pháp nào nữa, thuế cũng lùi về 0%, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn từ hai tháng nay. Việc tăng giá xăng dầu là không thể tránh khỏi.
 
Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu lần này, Bộ Tài chính cho rằng thời gian tới tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo quy định cơ chế thị trường. Cụ thể: nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì giảm sử dụng quỹ bình ổn giá, khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý nếu còn dư địa thực hiện giảm giá bán.
 
Việc tăng giá xăng dầu là bất khả kháng, tuy nhiên ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc tăng giá quá cao, với 2.100 đồng/ lít xăng, 2.000 đồng/kg mazut, 1.000 đồng/lít diesel, gây sốc cho người dân cũng như doanh nghiệp. Nếu mức tăng từ từ, khoảng 1.000 đồng chia đều cho vài lần thì sẽ giảm áp lực rất nhiều cho xã hội.
 
“Trong bối cảnh giá cả tăng cao, người lao động vốn rất chật vật để chi tiêu đồng thu nhập ít ỏi, còn doanh nghiệp sức cạnh tranh đã giảm rất nhiều, giờ sẽ phải cố gắng như thế nào đây?” - ông Long băn khoăn.
 
Ông Long cũng lo ngại mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới hai con số trong năm nay là rất khó khăn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng khi tăng giá mạnh các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn Bộ Tài chính đã phải lường được hậu quả.
 
“Tôi đã dự đoán lạm phát sẽ tăng trở lại trong tháng 3. Và sau khi điều chỉnh giá xăng dầu, lạm phát sẽ tăng cao hầu như chắc chắn” - ông Phong nói. Theo ông Phong, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ kéo hàng loạt hàng hóa và dịch vụ khác tăng giá theo.
 
Ông Phong cho rằng bên cạnh việc đưa giá thực phẩm, hàng hóa tăng hợp lý theo mức tăng của giá xăng, giới kinh doanh ở VN thường có hiện tượng “tát nước theo mưa”.
 
Cứ nhân dịp giá xăng tăng là ồ ạt đẩy giá lên, vượt quá mức tác động của giá xăng tăng lên những mặt hàng, dịch vụ đó. Vì thế, các cơ quan quản lý, kiểm soát thị trường cần tăng cường kiểm tra giá cả, yêu cầu niêm yết giá, công bố giá để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến túi tiền người dân và gây áp lực lên chỉ số lạm phát.
 

 Bán xăng giá 25.000 đồng/lít

 
Trong ngày 7-3, nhiều người dân phản ảnh hàng chục cây xăng trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước đồng loạt ngưng bán. Trưa 7-3, nhiều người ghé vào cây xăng số 827 Âu Cơ, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM của đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN TM&VT Lan Anh nhưng các nhân viên thông báo “ngưng bán vì hết xăng”!
 
Tại cây xăng của Công ty TNHH một thành viên hóa dầu Quân đội - cửa hàng xăng dầu Bình Long vẫn tình trạng “cửa đóng then cài”.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cây xăng ngưng bán lập tức mọc lên các cây xăng bán lẻ “chém đẹp” khách hàng với giá 24.000-25.000 đồng/lít xăng A92. Tại cây xăng 827 Âu Cơ, người bán xăng lẻ đang ngồi chung với các nhân viên bán xăng của cây xăng này nói: “Cây xăng hết xăng rồi, ra đây mua đỡ lít xăng lẻ đi, xăng này cũng rút từ trong cây xăng này ra, giá 25.000 đồng/lít”.
 
Đ.DÂN - D.TUẤN
 
 
Chưa tính đến quyền lợi người tiêu dùng?
 
Theo một chuyên gia kinh tế, động thái và các mức tăng giá xăng dầu lần này của Bộ Tài chính cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được tính đến.
 
Theo đó, mặc dù nghị định 84 xác định điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại bất kỳ khi nào, thị phần kinh doanh xăng dầu lại vẫn chủ yếu nằm trong tay ba doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Xăng dầu VN, Tổng công ty Dầu VN và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn thì chưa thể thả nổi hoàn toàn theo thị trường mà phải có sự điều tiết của Nhà nước.
 
Thạc sĩ Vũ Quốc Chinh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ chấp nhận tăng giá xăng dầu nếu giá cả nhập hàng được minh bạch. Nếu doanh nghiệp nhập hàng ở thời điểm giá cao trên 130 USD/thùng thì người tiêu dùng sẽ đồng thuận tăng giá, nhưng nếu không nhập hàng lúc giá cao mà lại tăng giá bán lẻ theo giá thế giới thì người tiêu dùng khó lòng đồng thuận. Trên thực tế, tại thời điểm giá cao, doanh nghiệp đã giảm lượng nhập tới hơn 31%.
L.THANH - H.GIANG - B.HOÀN (Tuổi trẻ)