Chị Phạm Thị Ngắn - Ảnh Chinhphu.vn
Với niềm đam mê nghề làm cói, chị Phạm Thị Ngắn ở xã Tây An (huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã làm sống lại một làng nghề truyền thống và tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động.
“Hồi sinh” làng nghề
Khi chúng tôi về thăm Doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An của chị Phạm Thị Ngắn thì bắt gặp hàng chục công nhân đang hối hả đóng gói sản phẩm để chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản. Không ai bảo ai, mỗi người mỗi công đoạn làm việc một cách thuần thục, nhịp nhàng.
Ngược lên phía văn phòng, chị Ngắn đang cặm cụi bên đống sổ sách. Thấy khách đến chơi, chị vừa nhanh tay pha ấm trà, vừa hồ hởi mở đầu câu chuyện bằng những con số đầy ấn tượng.
“Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm nay, tôi đã xuất khẩu được khoảng 20 tấn sản phẩm sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italia. Riêng doanh thu tháng 1 đạt 5 tỷ đồng. Đơn dặt hàng được ký liên tục, hơn 7.000 lao động không lo thiếu việc làm”.
Cứ được một lúc, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với chị lại phải ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của khách hàng trong và ngoài nước.
Cách đây 30 năm, làng nghề làm cói truyền thống nơi chị sinh sống ngày càng đi xuống do khó tiêu thụ sản phẩm.
Người dân không còn mặn mà với nghề làm cói, tìm cách ly hương đi làm thuê khắp nơi. Những nghệ nhân cao niên trong làng không giấu nổi ánh mắt lo lắng, lắc đầu chán nản.
“Bao đêm tôi trăn trở, phải làm cách nào đó để khôi phục lại làng nghề truyền thống. Mình phải làm giàu từ chính nghề làm cói mà ông cha đã để lại từ bao đời nay”, chị Ngắn nói.
Năm 1996, chị đã bắt đầu khởi động những bước đi đầu tiên mang tính “đột phá” và “mạnh mẽ” với mong muốn làm sống lại làng nghề. Trên chiếc xe đạp cũ kĩ, chị lóc cóc một mình đến các chợ đầu mối trong tỉnh, rồi ngược lên các trung tâm thương mại ở Hà Nội để tìm hiểu thị trường, sưu tầm những mẫu sản phẩm mà khách hàng đang ưa chuộng.
Về nhà, chị sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, cách tân kiểu dáng, thêm họa tiết hoa văn vào các sản phẩm cói. Thế rồi, trên chiếc xe đã hoen rỉ bởi thời gian, chị lại cần mẫn mang các mặt hàng của mình đến giới thiệu tại các của hàng, trung tâm thương mại ở Thái Bình, Hà Nội.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị cũng đã được trả công xứng đáng. Hơn một năm trời đi quảng bá sản phẩm, chị đã vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên với số lượng hơn 20.000 sản phẩm.
Thành công ban đầu đó không làm người phụ nữ quê lúa giàu tâm huyết với làng nghề truyền thống cảm thấy hài lòng. Chị quyết định tiến thêm bước nữa. Chị đem các các mặt hàng cói của mình vượt hàng nghìn cây số để chào bán ở thị trường một số nước Châu Âu như Thụy Điển, Na Uy..
Cứ như thế, sản phẩm cói truyền thống của chị không chỉ được ưa chuộng trong nước mà con bay xa ra người lãnh thổ, vươn đến phương trời Tây. Đến nay, các mặt hàng của chị đã được bầy bán trong các siêu thị, cửa hàng ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc… Mỗi năm, chị xuất ra nước ngoài khoảng nửa triệu mặt hàng cói các loại.
Hơn 15 năm lăn lộn với nghề cói, chị đã đem lại “sức sống mới” cho làng nghề truyền thống quê hương. Giờ đây, nghề làm cói xuất khẩu không chỉ phát triển ở xã Tây An mà còn mở rộng ra khắp tỉnh Thái Bình.
Riêng năm 2011, chị đạt tổng doang thu gót 20 tỷ đồng. Tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động trong tỉnh Thái Bình và hơn 1.000 người ở Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương.
Dạy nghề cho lao động nông thôn
Công nhân đang làm việc tại Doanh nghiệp của chị Ngắn
Chị Ngắn cho biết, chị vốn sinh ra từ làng quê. Chị lớn lên cũng nhờ cây lúa, của khoai. Cũng bởi lẽ đó, chị luôn tâm niệm phải làm điều gì đó cho quê hương. Cái tâm của chị lúc nào cũng hướng về người nông dân.
Nhận thấy nghề làm cói xuất khẩu phù hợp với lao động nông thôn, nhất là các chị em phụ nữ, chị nảy ra ý định mở lớp dạy nghề cho bà con.
Chính quyền địa phương đã nhiệt tình ủng hộ sáng kiến của chị. Ngay từ năm 2002, những lớp dạy nghề đầu tiên đã khai giảng ở xã Tây An.
Mới đầu các lớp dạy nghề chỉ mở ở xã Tây An, dần dần lan tỏa ra khắp huyện Tiền Hải, rồi mở rộng ra toàn tỉnh Thái Bình. Tính đến nay, chị đã dạy nghề làm cói xuất khẩu cho khoảng 10.000 lao động nông thôn toàn tỉnh Thái Bình.
Không dừng lại ở đó, những lớp dạy nghề của chị còn lan sang cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên. Và kết quả là hơn 1.000 nông dân đã có thêm nghề mới.
Sau khi dạy nghề xong, chị mang nguyên liệu đến tận nơi cho người lao động sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Cứ như thế, gần 10 năm qua, chị đã tạo thêm việc làm cho hơn 7.000 nông dân tỉnh Thái Bình. Chưa kể số lao động ở tỉnh ngoài.
Đặc biệt, cũng từ những lớp dạy nghề này mà hàng trăm người khuyết tật đã có một nghề trong tay để kiếm sống, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Nhìn những người công nhân vốn là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn đang hăng say làm việc trong kho xưởng của mình, chị bảo: “Tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo thật nhiều việc làm cho bà con nông dân”.
Năm 2005, chị được chọn là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Chị còn được Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.