Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tranh, ảnh khỏa thân: Giới hạn bằng cách nào?

(11:37:15 AM 07/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Làm sao để tranh, ảnh nude nghệ thuật đến với công chúng yêu nghệ thuật nhưng không để bị lợi dụng danh nghĩa nghệ thuật để phát tán tranh ảnh gợi dục vẫn là bài toán đau đầu của các nhà quản lý

Để khắc phục những nội dung đã lỗi thời của quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành cách đây 12 năm, trong dự thảo thông tư quản lý hoạt động nhiếp ảnh đang được hoàn thiện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đưa ra quy định sẽ cho tổ chức triển lãm ảnh khỏa thân (nude) nghệ thuật nhưng chỉ với điều kiện: Buộc phải có hợp đồng chụp ảnh giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu khi chụp ảnh nude.
“Cởi trói” hay “bắt bí”?
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ VH-TT-DL, cho rằng trong bản hợp đồng dân sự giữa người chụp và người mẫu phải ghi cụ thể nội dung chụp là gì, hở đến đâu hay có công bố không, công bố ở đâu, với mục đích gì? Điều này giúp người chụp và người mẫu ý thức được từ đầu mục đích chụp và sử dụng hình ảnh.
Quy định này bị giới chuyên môn phản ứng vì cho rằng người mẫu nude nghệ thuật thường không muốn lộ mặt nên không cần thiết phải khai báo nhân thân của người làm mẫu chụp. Nghệ sĩ Thái Phiên góp ý khi triển lãm, chỉ cần người nghệ sĩ làm bản cam kết với nơi cấp phép là đã có hợp đồng với người mẫu ảnh và nếu kiện tụng gì giữa hai bên thì nhiếp ảnh gia sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật là đủ. Ông cho rằng quan trọng là nghệ sĩ phải có tâm, chứ nếu tâm không trong sáng thì dù có giấy tờ vẫn xảy ra điều này điều nọ.
Tác phẩm Sóng đỏ của Thái Phiên
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ông Chu Chí Thành, nguyên chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Thành cho rằng đây có thể là giải pháp “chẹn” nghệ sĩ chứ không hẳn là bảo vệ người mẫu. Có thể quy định này giúp nghệ sĩ tránh được kiện cáo nhưng thực tế, nhiều người mẫu không muốn công khai danh tính, vì vậy chỉ cần có thỏa thuận giữa hai bên là đủ.
Quy định này cần phải linh hoạt chứ không bắt bí nhau và có thể tham khảo thông lệ quốc tế (trên thế giới không yêu cầu nghệ sĩ phải trưng hợp đồng trước khi triển lãm). Quan trọng nhất, theo ông Thành, là phải có hội đồng thẩm định mà các thành viên là những người có uy tín trong ngành nhiếp ảnh, mỹ thuật Việt Nam.
Ông Chu Chí Thành cho rằng để quy định về hoạt động nhiếp ảnh đủ và đúng nhất, cơ quan quản lý nên gặp các nghệ sĩ chụp ảnh nude để tham khảo ý kiến. Thậm chí, phải tổ chức hội thảo với các tác phẩm cụ thể để tranh luận, từ đó đưa ra những quy định sát thực tế.
Bó tay với ảnh nude trên mạng!
“Cởi trói” cho ảnh nude trong hoạt động triển lãm ở phạm vi hẹp có sự giám định của hội đồng nghệ thuật về nhiếp ảnh, mỹ thuật có thể sẽ được các nhà quản lý xem xét. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những ảnh nude lợi dụng danh nghĩa “nghệ thuật” chụp để tung lên mạng như lâu nay sẽ phát triển bùng nổ. Đây mới chính là bài toán đau đầu của các nhà quản lý.
Ông Vi Kiến Thành thừa nhận việc tung ảnh nude lên mạng, thông tư mới này không “chạm” tới được bởi công việc quản lý mạng thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông.
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VH-TT- DL, cũng cho rằng cơ quan quản lý muốn quản ngay từ đầu nhưng thực tế hiện nay lại muốn cho nghệ sĩ tự do sáng tạo nên chỉ khi nào sai mới xử lý. Mà đã sai rồi thì càng lên án càng gây sự chú ý đối với công chúng. “Hậu kiểm cũng không giải quyết được vì tác hại của nó sau khi xảy ra rồi là rất nghiêm trọng” - ông Thái cho biết.
Đứng trước khó khăn này, nhiếp ảnh gia Phạm Hùng Cường phân tích việc tiền kiểm cũng giống như việc tham gia giao thông, việc vượt đèn đỏ thì không ai biết trước được nhưng khi vượt rồi thì phải phạt nặng sẽ tốt hơn là tiền kiểm. Cho nên đầu tiên là phải cảnh cáo, sau đó là phạt nặng và nặng hơn nữa là đình chỉ hoạt động của trang mạng đó. “Tôi tin với những quy định này thì các trang mạng sẽ “sạch” hơn” - ông Cường nói.
Ông Vi Kiến Thành cho biết Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tìm ra giải pháp nào có thể xử lý theo hình thức hậu kiểm. “Rõ ràng, chúng ta đang phải đối đầu trước khó khăn là internet đang toàn cầu hóa, đang khó quản lý nội dung đầu vào nên phải dùng biện pháp hậu kiểm” - ông Vi Kiến Thành cho biết. Nhà quản lý này cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng cần xem xét kỹ phạm vi điều chỉnh của thông tư nếu không sẽ chồng chéo. Vấn đề hiện nay là khó phân định thế nào là ảnh báo chí, thế nào là ảnh nghệ thuật, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.
 
Cần một sân chơi riêng
Dù bị tách ra khỏi dòng chảy hoạt động sáng tác nghệ thuật hiện nay nhưng thể loại tranh, ảnh nude nghệ thuật vẫn đang được nuôi dưỡng bởi chính các nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật.
Việc loại bỏ tranh, ảnh nude nghệ thuật ra khỏi hoạt động sáng tác khiến nghệ sĩ mệt mỏi vì phải giấu giếm sáng tác, công chúng muốn thưởng thức tác phẩm nghệ thuật cũng phải lén lút. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng cần phải “cởi trói” cho tranh, ảnh nude nghệ thuật ngay trong suy nghĩ. Nên chăng, thay vì có cách ứng xử cứng nhắc, e ngại với loại hình nghệ thuật này, cơ quan quản lý nên tập cho công chúng làm quen với ảnh nude nghệ thuật để họ có sự nhận định của riêng mình thay vì e dè trong việc cấp phép triển lãm.
Đồng quan điểm cần “cởi trói” với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nghệ sĩ Phạm Hùng Cường đề xuất Bộ VH-TT-DL nên có một trang web về tranh, ảnh nude nghệ thuật, tăng cường công tác lý luận phê bình về lĩnh vực này nhằm định hướng cho người xem và nâng cao trách nhiệm của nghệ sĩ trong sáng tác của mình.
Hoàng Lan Anh/ NLĐ