Bà Phạm Thị Diệu Hiền, TGĐ Cty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco).
Nguồn tin từ TAND quận Ô Môn (TP Cần Thơ): Cơ quan này đã lên lịch dự kiến ngày 16/3 tới sẽ đưa ra xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán cá” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai với bị đơn là bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Bình An, đại diện theo pháp luật của công ty.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai (thường trú tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã ủy quyền cho văn phòng luật sư Vạn Lý, TP Cần Thơ, thu hồi khoản nợ mua bán nguyên liệu cá tra do bà Phạm Thị Diệu Hiền đang nợ quá hạn, theo cam kết trong hợp đồng mà công ty đã ký với khách hàng. Luật sư Nguyễn Trường Thành (trưởng VP luật sư Vạn Lý) đã đại diện theo pháp luật tiến hành khởi kiện Bianfishco lên TAND quận Ô Môn.
Theo hồ sơ vụ kiện, trong tháng 5 và 7/2011, bà Diệu Hiền đã mua của bà Mai và ông Liền gần 1.200 tấn cá tra nguyên liệu với số tiền gần 32 tỷ đồng. Theo hợp đồng, cam kết thanh toán sau 10 ngày kể từ ngày nhận hàng là 50%, còn lại 50% sẽ thanh toán trong thời hạn 10 ngày tiếp theo (thanh toán vào ngày thứ Bảy hàng tuần).
Bà Mai và ông Liền cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty thanh toán dứt điểm theo hợp đồng đã ký nhưng công ty cố tình lẩn tránh, bà tổng giám đốc không nghe điện thoại, không tiếp chúng tôi”.
Theo đơn yêu cầu khởi kiện, bà Mai và ông Liền buộc công ty trả tiền vốn với số tiền trên 18 tỷ đồng; đồng thời buộc bà Diệu Hiền phải thanh toán lãi suất do vi phạm thời hạn thanh toán thỏa thuận trong hợp đồng đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định của ngân hàng thương mại cổ phần, áp dụng mức lãi suất quá hạn theo quy định của Luật thương mại (tạm tính đến ngày khởi kiện) với lãi suất 2.75%/tháng.
Trước đó, ngày 4/12/2011, bà Diệu Hiền đã có công văn số 01.12/CV/BTGĐ gửi đến các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để “thanh minh” về sự việc trên.
Trong công văn, bà Diệu Hiền cho rằng: Do ảnh hưởng khó khăn chung từ khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, cộng với nền kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng đang rất khó. Đây là những thị trường nhập khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam, trong đó có cá tra. Chính điều này đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trủy sản cả nước.
Bà Diệu Hiền phân trần rằng: “Thực tế là do có sự tác động dây chuyền từ vụ một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc bị mất khả năng thanh toán. Một số ngân hàng đã lo ngại sẽ phải gặp rủi ro tương tự nên đã vận dụng chủ trương siết chặt tín dụng. Bianfishco dù đang là doanh nghiệp uy tín nhưng ít nhiều chịu tác động từ chủ trương này; kế hoạch thanh lý hợp đồng với một số bà con từ đó cũng bị ảnh hưởng”.
“Để không gây thiệt thòi cho nông dân, chúng tôi cũng đã có những thỏa thuận với bà con bằng việc bù đắp lãi suất bằng với mức lãi suất của ngân hàng” – bà Diệu Hiền cam kết.
Trước đó, luật sư đại diện Bianfishco đã có buổi thương lượng với luật sư Trường Thành để tìm hướng rút lại đơn kiện vụ “đại gia” thiếu nợ gần 20 tỷ đồng tiền bán cá của nông dân nhưng bất thành. Ngày 27/12/2011, TAND quận Ô Môn đã có thư mời hòa giải nhưng bà Diệu Hiền không đến.
Sau đó, ngày 16/2, tại TAND quận Ô Môn, phiên hòa giải lần 2 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán cá” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai với phía bị đơn là Bianfishco cũng bất thành.
Tại buổi hòa giải, đại diện theo ủy quyền của phía bị đơn là luật sư Nguyễn Kỳ Việt cho rằng: Việc đại diện cho các nguyên đơn cung cấp bảng đối chiếu công nợ lập ngày 20/1 giữa Bianfishco với bà Mai, ông Liền đại diện cho bị đơn không thừa nhận, vì việc xác nhận nợ không phù hợp số liệu đã lập trước đây theo biên bản giải quyết tại tòa ngày 17/1 cũng như việc xác nhận nợ được lập sau thời điểm người đại diện được ủy quyền, nên đại diện bị đơn vẫn bảo lưu quan điểm đã trình bày theo biên bản hòa giải lần đầu ngày 17/1 tại tòa.
Luật sư Nguyễn Trường Thành đại diện cho phía nguyên đơn đề nghị: Khi đưa ra xét xử yêu cầu tòa án triệu tập người đại diện theo pháp luật của Bianfishco để xác nhận nợ. Đồng thời, công ty đã thừa nhận nợ, để đảm bảo cho việc thanh toán nợ nguyên đơn đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp cấm xuất cảnh đối với bà Diệu Hiền; kê biên tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án.
Việc trì hoãn trả tiền cá của bà Diệu Hiền khiến cuộc sống người dân khổ sở trăm bề. Trước tình cảnh trên, ngày 18/2 các hộ nông dân đã kéo đến biệt thự của bà Diệu Hiền để đòi nợ; đồng thời làm đơn kêu cứu khẩn cấp gởi Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và lãnh đạo nhiều ban, ngành để nhờ can thiệp và giúp đỡ.
Tuy nhiên mới đây, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Cần Thơ vừa từ chối một khoản vay trên 300 tỉ đồng đối với công ty CP thủy sản Bình An , vì phía công ty không đảm bảo việc thanh toán nợ, không còn các khoản thế chấp tương ứng… Trong tờ trình “cầu cứu” số 84 của bà Hiền gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 28/12/2011 bà Hiền thừa nhận công ty Bình An còn nợ nông dân trên 200 tỉ đồng và nợ nhiều ngân hàng khác.