Anh Út bên cặp nai “đẻ ra tiền”.
Tuy đây chỉ là những cách làm ăn mới tự phát và còn gặp nhiều khó khăn, như chưa có kỹ thuật chăn nuôi nhưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi cừu lấy thịt và nuôi nai lấy nhung ở xã Tân Bình (Bình Tân-Vĩnh Long) là những nghề chăn nuôi mới lạ, đang thu hút nhiều nông dân đến tìm hiểu.
Nuôi cừu lấy thịt
Ông Nguyễn Ngọc Tựu là người đầu tiên ở xã Tân Bình (Bình Tân) đã bỏ công đi các nơi tìm hiểu, học hỏi qua các tài liệu rồi mạnh dạn đầu tư nuôi cừu, sau khi thấy có một số bà con trong huyện nuôi cũng không có gì khó khăn lắm.
Ông cho biết, khoảng 4 năm trước, cũng từ mối quan hệ quen biết và thêm một chút hiếu kỳ nên ông quyết định mua một cặp cừu bố mẹ của ông Chín Chìa (xã Tân An Thạnh) về nuôi thử nghiệm với giá 1,8 triệu đồng. Đây là loài cừu được thuần dưỡng, dễ nuôi, mau lớn, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật. Chúng ăn tạp, chuồng trại cũng khá đơn giản, chỉ cần cao ráo và thoáng mát là được.
Cừu nuôi khoảng 6 tháng có thể sinh sản, mỗi năm đẻ 2 lứa, con đực trưởng thành nặng 50- 60kg, con cái nặng khoảng 30kg. Phần lớn người nuôi chỉ bán cừu đực và con cái già, gần như không còn khả năng sinh sản. Giá thịt cừu hiện cũng khá ổn định, khoảng 70.000/kg.
Thấy nuôi cừu có hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Tân Thới, (xã Tân Bình), cũng quyết định mua 3 con cừu giống về nuôi (2 con đực và 1 con cái). Hiện tại đàn cừu phát triển khá tốt. Qua hơn 1 năm nuôi, ông Liêm bán được 3 con cừu thịt.
Chẳng những ông đã lấy vốn mà hiện còn lời 5 con, ước giá trị trên 50 triệu đồng. Ông Liêm cho biết: Đây là loài vật dễ chăm sóc, có thể tận dụng các loại rau, cỏ cũng như các loại lá cây có sẵn trong vườn làm thức ăn. Do cừu là loài động vật có nguồn gốc hoang dã nên nuôi thả lang sẽ tốt hơn nhốt chuồng.
Nuôi nai lấy nhung
Anh Lương Văn Út ở xã Tân Bình đang “ăn nên làm ra” với nghề nuôi nai lấy nhung. Cũng như con cừu, nai là loài động vật rất dễ chăm sóc, tuy nhiên hệ thống chuồng trại phải khô thoáng và sạch sẽ.
Năm 2002, anh Út lên tận An Giang mua một cặp nai giống của ông Nguyễn Ngọc Điệp giá 36 triệu đồng. Anh Út nói vui: “Lúc đó tui mua cặp nai này nhiều người nhận xét là mình làm liều. Đây là loại vật sống ở núi rừng về đồng bằng nó không thích nghi với môi trường thì kể như… cụt vốn. Nghe vậy cũng hơi nản nhưng lỡ… “leo lên lưng cọp” phải theo luôn chứ biết sao? Đến nay, nó mang về thu nhập cho gia đình kha khá”.
Thấy cách làm ăn của anh Út đạt hiệu quả kinh tế, nhiều người đến hỏi mua con giống về nuôi. Hiện tại anh đã bán được khoảng 7 con nai giống, thu khoảng 100 triệu đồng.
Có thể tận dụng dây khoai lang làm thức ăn cho cừu.
Anh Út chia sẻ kinh nghiệm nuôi: Nuôi nai chỉ tốn tiền con giống, còn thức ăn tận dụng cỏ xung quanh nhà và phụ phẩm từ đồ rẫy bỏ đi. Nai nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, sau 9 tháng có thể sinh sản. Đối với nai đực, nuôi khoảng 1 năm rưỡi sẽ lấy kỳ nhung lần đầu, 1 năm lấy nhung 2 lần. Một cặp nhung tơ có trọng lượng khoảng 2kg, giá bán hiện tại trên thị trường khoảng trên 10 triệu đồng.
Do có kỹ thuật nuôi và lấy nhung nai khá “khéo”, anh Út được nhiều hộ mời đến hướng dẫn cách nuôi và lấy nhung. Anh khoe: “Mấy năm trước, tui còn khăn gói ra tận Gia Lai hướng dẫn ông Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cách lấy nhung đó chứ”.
Anh Út cho biết thêm: Nhung là một phần cơ thể của nai nên thao tác lấy nhung cũng phải thật kỹ và chính xác, nếu không sẽ làm nai bị thương, nghiêm trọng hơn là nai có thể chết.
Cừu, nai là loài vật nuôi mới và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Song, hiện tại người chăn muôi tự phát nên còn không ít hạn chế về kỹ thuật, chủ yếu “vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm”.
Theo anh Nguyễn Tấn Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, trong thời gian sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn cho những hộ chăn nuôi cừu và nai nắm vững các biện pháp kỹ thuật, giúp người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn.