Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Không phải cứ "cởi" là xấu Tin ảnh

(07:20:37 AM 06/03/2012)
(Tin Môi Trường) - Tại sao thơ sách của Vi Thùy Linh lại được xuất bản, tại sao rất nhiều tranh khỏa thân được triển lãm, tại sao trong điện ảnh nhiều cảnh quay trần trụi vẫn được phép chiếu, còn với nhiếp ảnh lại không?

 

Dưới con mắt của một người làm nghệ thuật, PV đã tìm đến họa sĩ, tiến sĩ mỹ học Thế Hùng (nguyên giám đốc chương trình nghệ thuật Trung tâm nghiên cứu Văn hóa quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội, người từng tham gia làm giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam và bản thân đã từng làm việc trực tiếp với nghệ thuật tranh khỏa thân) để trao đổi với ông về đề tài “không mới nhưng chưa cũ” này.
 
Muốn công chúng hiểu được nude nghệ thuật cần phải cởi trói? 
 
- Trong văn hóa phương Đông, các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến đề tài nhạy cảm xưa nay đã có?
 
Ở phương đông việc tôn vinh và xuất hiện văn hóa phồn thực đã có từ rất lâu. Trong văn hóa của Ấn Độ, Nhật Bản… và ngay cả Việt Nam có thể thấy rất rõ. Trên họa tiết hoa văn Trống đồng cũng có hình đôi trai gái đang ân ái với nhau, trong các tượng điêu khắc ở Tây Nguyên cũng xuất hiện rất nhiều hình tượng mang tính chất phồn thực… nhưng được xuất hiện qua lăng kính của người làm ra nó và chính vì lăng kính ấy mới đem lại cho nó giá trị nghệ thuật.
 
Tượng khắc cảnh giao hoan trong lễ hội, chạm khắc trên cốn đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)
 
- Nhưng với nhiếp ảnh có vẻ sẽ khó khăn hơn khi cách thể hiện của nó quá thật khi mang đến công chúng?
 
Cái đẹp trong hội họa điêu khắc là cái đẹp được biến tấu bởi nghệ sĩ, cái đẹp của nhiếp ảnh là cái đẹp chân thực nhất, chính xác nhất về cơ thể người phụ nữ. Điều này tất nhiên sẽ rất nhạy cảm bởi ranh giới giữa trần tục và nghệ thuật sẽ rất mỏng manh. Nó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của nghệ sĩ và chính những người xem ảnh.
 
Nghệ thuật nằm ở lăng kính của người nghệ sĩ và chính người xem - Ảnh: Thái Phiên

 

- Vậy theo ông với tư cách của một nhà thẩm mỹ học và làm nghệ thuật thế nào là một tác phẩm ảnh nude nghệ thuật?

 
Một tác phẩm nude đúng nghĩa là nghệ thuật là tác phẩm tôn vinh được vẻ đẹp của người phụ nữ mà trong đó có ngôn ngữ và tư duy nghệ thuật. Tác phẩm phải có khả năng nâng tầm thẩm mỹ của công chúng. Tác phẩm ấy phải được công chúng trân trọng trước vẻ đẹp đã được thể hiện qua lăng kính tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ. Ở đó tuy cái "con người", cái trần tục, cái rất thật được thay bằng sự trân trọng, sự thanh cao của cái đẹp.
 
- Vậy để tạo ra một tác phẩm nude nghệ thuật, cần phải có điều kiện cần và đủ gì?
 
Theo tôi cần 2 điều kiện: Chủ thể sáng tạo phải có tâm với nghề, phải có tư duy trình độ và kĩ thuật tạo ra tác phẩm ảnh khỏa thân nhưng phải đẹp theo đúng nghĩa của hai chữ nghệ thuật.
 
Công chúng cần phải có tầm nhìn, có trình độ.
 
Có một thực tế là các nhiếp ảnh gia Việt Nam đã đạt rất nhiều giải ảnh trên thế giới. Vậy khi đã có chủ thể sáng tạo đủ điều kiện thì chúng ta phải tổ chức triển lãm để nâng dần dần trình độ của công chúng chứ không thể hạn chế và lẩn tránh được. Đó là điều ngớ ngẩn, ấu trĩ. Phải dám đi mới thành đường…!

Không phải cứ lõa thể là xấu!
 
- Hiện nay rất nhiều cuộc triển lãm ảnh nude bị từ chối cấp phép, với tư cách cá nhân ông có ý kiến gì?
 
Là một nhà thẩm mỹ, làm nghệ thuật và từng phê bình nghệ thuật tôi hoàn toàn phản đối!
 
“Cơ thể người phụ nữ là một kiệt tác của tạo hóa”. Vậy tại sao nhân loại đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ như vậy thì Việt Nam chúng ta lại ngại không cho triển lãm ảnh khỏa thân. Đó là điều hoàn toàn vô lí!
“Cơ thể người phụ nữ là một kiệt tác của tạo hóa” - Ảnh: Dương Quốc Định

 

Mọi nghệ thuật đều được bình đẳng với nhau trước cuộc sống. Chúng phải được xếp ngang hàng cùng nhau về mặt giá trị. Tại sao thơ sách của Vi Thùy Linh lại được xuất bản, tại sao rất nhiều tranh khỏa thân được triển lãm, tại sao trong điện ảnh nhiều cảnh quay trần trụi vẫn được phép chiếu, còn với nhiếp ảnh lại không?

 
Một đất nước văn minh, một đất nước đã mở cửa với thế giới đến ¼ thế kỉ phải đón nhận, và cởi trói cho phép mở các cuộc triển lãm về ảnh khỏa thân. Điều cần quản lý đó là lập ra một hội đồng thẩm định gồm những người có trình độ, có tư duy thẩm mỹ để xét cái nào đáng là ảnh nude nghệ thuật cho để công chúng tiếp cận và nâng cao tính thẩm mỹ.
 
Họa sĩ, tiến sĩ mỹ học Thế Hùng: "Nhân loại đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ như vậy thì tại sao chúng ta lại không...?"
 
- Việc hạn chế các triển lãm ảnh nude ngoài ảnh hưởng đến những người làm nghệ thuật chân chính thì với công chúng tác hại xấu là gì?
 
Ngày nay, các bạn trẻ có thể xem ảnh nude, ảnh khiêu gợi, ảnh kích dục chỉ cần lên Internet sẽ không thiếu và không thể ai có thể cấm và kiểm soát được. Vấn đề đặt ra rằng tại sao không đưa một thứ thẩm mỹ mang tầm nghệ thuật và trí tuệ của thẩm mỹ để các bạn trẻ thấy rằng cũng là cơ thể người phụ nữ nhưng dưới tài năng trí tuệ của một nghệ sĩ nhiếp ảnh nó biến thành một tác phẩm để lại muôn đời chứ không phải cứ coi lõa thể là xấu.
 
- Vậy để ảnh nude nghệ thuật đích thực đến được với công chúng, theo ông các nhà quản lý cần phải làm gì?
 
Các nhà quản lý cần phải có trình độ, phải có tư duy của những người đang làm nghệ thuật trong thời kì hiện đại. Việc né tránh để vô hình trói buộc nó thể hiện cái sợ mất ghế của những nhà quản lý, hai là không có khả năng để hiểu được ảnh nude dẫn đến không quản lý được.
 
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Hoàng Nguyên (Vietnamnet)