Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khốn khổ vì trời nồm

(06:56:50 AM 06/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Lau nhà nhiều lần mà nền vẫn ướt nhẹp, quần áo phơi cả tuần không khô, trẻ con đổ bệnh, thi nhau ho, ốm, sốt… là những tình cảnh khó chịu mà người Hà Nội phải đối mặt suốt nửa tháng trời nồm vừa qua.

Được nghỉ 2 ngày nhưng trời mưa, ẩm, chị Nhung ở nhà với hai cậu con trai mà căng thẳng hơn đi làm. “Mình cấm không cho hai nhóc xuống đất, chỉ quanh quẩn trên giường vì nền nhà ướt lép nhép, trơn trượt. Từ sáng tới trưa, mình ra sức lau khô, mở hai quạt liền nhưng cũng chẳng ăn thua”, chị Nhu (Từ Liêm, Hà Nội) than thở ngay sáng đầu tuần đến cơ quan.
 
Căn nhà cấp 4 với thiết kế công trình phụ ở cách biệt bên ngoài phòng ăn, ở của nhà chị lại càng trở nên bất tiện trong những ngày mưa phùn, ẩm ướt. Điều khó khăn nhất là giữ cho hai cậu con trai ngồi chơi trên giường. Vợ chồng chị phải cắt cử nhau ngồi chơi với con, luôn mồm nhắc bọn trẻ không được xuống đất, nhưng lơ đi chút là chúng lại "phạm quy".
 
"Nhẹ thì bít tất ướt, trong khi cái cũ giặt còn chưa khô, khổ nhất là cả hai đứa bị trượt chân ngã vài lần bươu cả đầu”, chị Nhu kể.
 
Ảnh: Minh Thùy.
Thời tiết ẩm ướt, quần áo phơi vài ngày vẫn không khô khiến nhiều người phải dùng máy sấy tóc để sấy đồ. Ảnh: Minh Thùy.
 
Gần 2 tuần qua, thời tiết miền Bắc thay đổi, ngoài trời luôn mưa phùn, trong nhà cũng ẩm ướt do độ ẩm không khí quá cao.
Sống trên tầng 9 khu chung cư Văn Quán (Hà Đông) nhưng chị Dịu vẫn thấy khó chịu vì suốt mấy ngày qua quần áo phơi mãi không thể khô, trong khi nền nhà dù đã lát gỗ mà vẫn thấy dấp dính.
 
Để đối phó với việc này, mấy hôm nay nhà chị lúc nào cũng phải đóng kín cửa và bật điều hòa ở chế độ dry để nền nhà được khô thoáng, rồi dùng máy sưởi hoặc máy sấy làm khô quần áo trước khi mặc hay mang cất. “Cũng buốt ruột lắm vì thể nào tiền điện tháng này cũng cao ngất, nhưng đành chấp nhận vì nhà có người già, trẻ nhỏ. Mong thời tiết khó chịu này nhanh hết”, chị Ngọc nói.
 
Trong thời tiết ẩm ướt mấy ngày nay, những gia đình sống ở mặt đất là cảm nhận rõ rệt nhất những thay đổi khó chịu.
 
Ở căn hộ tập thể tầng tại 1 trên phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) mấy hôm nay, cứ bước chân vào nhà là chị Thu hắt hơi liên tục vì cái mùi "khó tả" bốc ra từ chính nhà mình. "Mùi quần áo bẩn lẫn đã giặt mà không thể khô đều chất trong nhà, mùi ẩm mốc từ chăn, đệm, tường, rồi mùi 'chiến tích' từ những lần nôn trớ, tè của con... Kinh khủng", chị Thu lắc đầu ngao ngán.
 
Chị Thu cho biết, vì trời quá ẩm ướt, cậu con trai gần một tuổi của chị cũng ho và sốt suốt gần tuần nay.
 

Trời nồm khiến trẻ nhỏ dễ nhiễm bệnh. Cảnh đông đúc tại Bệnh viện Nhi trung ương sáng 4/3. Ảnh: Minh Thùy.

 
Để đối phó với trời nồm, người dân Hà Nội đã dùng đủ các cách mong hạn chế những bất tiện do thời tiết ẩm ướt.
 
Một số gia đình có điều kiện thì mở máy hút ẩm hết công suất cũng giúp khắc phục được phần nào. Tuy nhiên, máy này chỉ có tác dụng với những diện tích hẹp, dưới 20m.
 
Không có điều hòa cũng như máy hút ẩm. Mấy ngày nghỉ vừa qua, chị Trà (Long Biên, Hà Nội) đành dùng cách đơn giản là lau nhà bằng nước nóng già để giữ nền nhà khỏi ẩm ướt. “Mình đi găng tay, lấy nước nóng rẫy để lau nhà, sau đó lau lại lần nữa bằng khăn thật khô, thấy có vẻ khả quan. Nhưng ngày cũng phải làm mấy lần mới hiệu quả”, chị Trà cho biết.
 
Có cậu con trai đang tuổi tập đi, chẳng thể nhốt con trong cũi cả ngày, anh Tùng (Trường Chinh, Hà Nội) đã đi mua vài chiếc chiếu nhựa trải khắp nhà để con không bị trơn ngã. “Trông không được thẩm mỹ lắm nhưng cũng phải chấp nhận, chứ có trẻ nhỏ mà nền trơn thì quá nguy hiểm”, anh Tùng giải thích.
 
Ban đầu, vợ anh đã nghĩ tới phương án mà một đồng nghiệp áp dụng là dùng hạt chống ẩm trải trên nền nhà nhưng lại không dám áp dụng vì sợ con sẽ nhặt cho vào mồm.
 
Theo ghi nhận của phóng viêntrong những ngày mưa phùn ẩm ướt qua, các cửa hiệu giặt là đông khách hơn hẳn. Chị The, chủ một cửa hiệu giặt khô là hơi trên phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nửa tháng nay, tiệm của chị lúc nào cũng tất bật nhận đơn của khách.
 
"Không chỉ đông hơn các gia đình mang chăn, màn, áo quần tới giặt, mà không ít công nhân ở các công trường - nơi không thể phơi khô ngoài trời, cũng chẳng có máy sấy, cũng mang đồ qua nhờ dịch vụ", chị The cho biết.
 
Trời nồm là do hơi ẩm trong không khí nhiều, cộng với hình thái nhiệt độ ấm. Trong lúc đó, mặt đất, sàn nhà trời lạnh hơn nên xảy ra hiện tượng ngưng kết hơi ẩm. Hiện tượng nồm thường xảy ra theo mùa, nhiều nhất là trong mùa mùa xuân, tuy có thể xuất hiện ít hơn ở các thời điểm giao mùa khác trong năm.
 
Theo các chuyên gia, khi trời nồm, không nên bật quạt, mở cửa vì như vậy không khí ẩm từ bên ngoài bay vào càng nhiều. Nên tăng nhiệt độ trong phòng lên bằng điềuhòa, thường xuyên lau nền nhà ướt bằng khăn khô.
 
Thời tiết chuyển từ hanh khô, lạnh sang nóng, ẩm cũng khiến tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng vọt.
 
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mấy ngày nay, khoa lúc nào cũng trong tình trạng chật kín do số bệnh nhân nhập viện quá đông. "Trung bình mỗi ngày chỉ có tầm 70 cháu thì hôm nay đã là 100 rồi. Đông nhất là các cháu bị viêm phổi. Tất cả những bệnh dễ lây nhiễm khác như viêm đường hô hấp, tiêu chảy... cũng rộ lên vào thời điểm này", ông Dũng nói.
Theo bác sĩ, thời tiết bỗng nóng, ẩm là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
 
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho biết, từ đầu tuần trước đến nay, số bệnh nhi tăng vọt tại cơ sở này.
 
Theo bác sĩ, trời nồm là môi trường thuận lợi cho các lọa virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Để hạn chế trẻ mắc bệnh, cần chú ý vệ sinh cho bé. Tất cả các vật dụng trẻ hay sử dụng như quần áo, chăn màn, đồ chơi... cần được làm sạch, sấy khô. Ngoài ra, cần mặc cho bé phù hợp với nhiệt độ thời tiết, tránh mặc quá nóng, đồng thời đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng, giúp bé nâng cao sức đề kháng trước điều kiện môi trường.
Vương Linh (Vnexpress)