Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) cho biết có 20 chuyến bay khởi hành từ Nội Bài sáng 5-3 đã bị chậm giờ so với hành trình dự kiến, làm ít nhất 4.000 hành khách bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, còn có 2 chuyến bay quốc tế đến Nội Bài vào rạng sáng cùng ngày đã phải chuyển hướng đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vì sương mù che khuất tầm nhìn, không đủ điều kiện hạ cánh. Cả 2 chuyến bay này đều bay thẳng từ Châu Âu về bằng máy bay Boeing 777 với hành trình rất dài.
Trong đó, chuyến bay cất cánh từ Franfurt (Đức) có hành trình bay 12 giờ 45 phút với quãng đường hơn 8.700 km, chuyến bay từ Paris (Pháp) có hành trình bay 13 giờ 5 phút với quãng đường hơn 9.100 km.
Sương mù dày đặc đã làm ảnh hưởng tới các chuyến bay đến sân bay Nội Bài
Cả 2 chuyến bay này sau khi đến Nội Bài đều phải tiếp tục bay thêm hơn 600 km nữa để chuyển hướng vào sân bay quốc tế Đà Nẵng, chờ thời tiết tốt lên mới được về được sân bay Nội Bài.
Đến 9 giờ 30 phút, nhà chức trách sân bay Nội Bài thông báo đủ điều kiện cất/hạ cánh và các chuyến bay của VNA cũng như các hãng hàng không khác mới hoạt động bình thường trở lại.
Hãng hàng không Jestar Pacific cũng có 2 chuyến bay sớm nhất từ TPHCM đến Hà Nội đều phải về sân bay dự bị tiếp nhiên liệu và chờ diễn biến thời tiết tại Nội Bài tốt lên. Trong đó, có một chuyến bay phải đáp xuống sân bay Vinh và một chuyến khác phải đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Khoảng 11 giờ cùng ngày, cả hai chuyến bay này đã được lệnh cất cánh đưa khách trở lại Nội Bài.
Hãng hàng không tư nhân VietJet Air có lịch khởi hành muộn hơn so với VNA và Jetstar Pacific nên đã kịp nhận lệnh điều hành bay mới, điều chỉnh lại giờ cất cánh của chuyến bay VJ8660 hành trình TPHCM đi Hà Nội lúc 8 giờ 45 phút, chậm hơn 150 phút so với kế hoạch ban đầu. Do đó, hành khách không phải chờ đợi tại các sân bay dự bị.
Đây là lần thứ hai trong tháng qua, sương mù làm ảnh hưởng tới các chuyến bay đến và đi tại sân bay Nội Bài. Sáng 15-2, nhiều chuyến bay đến sân bay này cũng đã phải bay vòng trên đỉnh sân rồi chuyển hướng tới các sân bay dự bị, làm ảnh hưởng tới hàng ngàn khách.
Hiện nay, sân bay quốc tế Nội Bài đã được đầu tư xây dựng hệ thống trang thiết bị hạ cánh chính xác ILS đạt cấp CAT-II cho phép tiếp nhận các chuyến bay đêm cũng như trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, do đặc điểm khí tượng của miền Bắc, vào mùa Xuân vẫn có những thời điểm máy bay không thể tiếp cận hạ cánh do phi công không thể nhìn rõ đường băng.
Các hãng hàng không nội địa cũng như nhà chức trách hàng không Việt Nam đã từng đề xuất và bàn đến khả năng đầu tư xây dựng hệ thống trang thiết bị hạ cánh chính xác ILS đạt cấp CAT-III, mức độ hiện đại nhất để đảm bảo năng lực thông qua cao nhất cho sân bay quốc tế Nội Bài.
Song, chủ trương trên không được thông qua. Nguyên nhân là do vốn đầu tư rất lớn trong khi hiệu quả khai thác không cao vì hiện tượng sương mù diễn ra không liên tục, chỉ ít ngày trong năm.