(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Khi dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh - được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xây dựng - đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp, đề tài tranh, ảnh khỏa thân (nude) nghệ thuật lại được xáo lên sau nhiều năm các tác phẩm của thể loại này âm thầm ra đời và lặng lẽ phổ biến trong những phạm vi hẹp vì vẫn chưa thoát khỏi những quy định khắt khe “không phù hợp với thuần phong mỹ tục”.
Nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý nên “cởi mở” đối với tranh, ảnh nude nghệ thuật nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại về những hệ lụy của nó.
“Hoa” và “cỏ dại”
Tranh, ảnh khỏa thân nghệ thuật được thẩm định bởi hội đồng nghệ thuật thì không được triển lãm, trong khi những tấm ảnh khi xuất hiện bị dư luận lên án lại được phát tán tràn lan trên internet
Như một dịp để các nghệ sĩ hội họa và nhiếp ảnh sáng tác tranh ảnh nude nghệ thuật bày tỏ quan điểm của mình, với mong muốn cải thiện phần nào trong cái nhìn khắt khe lâu nay của các cơ quan quản lý đối với thể loại tranh ảnh có tính nhạy cảm này, nhiều ý kiến đặt vấn đề tranh, ảnh nude nghệ thuật được thẩm định bởi hội đồng nghệ thuật thì không được triển lãm, trong khi những tấm ảnh khi xuất hiện đã bị dư luận lại được phát tán tràn lan trên internet. Nghịch lý này đang tồn tại trong đời sống văn hóa hiện nay.
Tác phẩm soi bóng của Thái Phiên
Triển lãm vướng “vòng kim cô”
Mặc dù cuốn sách ảnh Xuân thì được công chúng đón nhận, in lại đến vài ba lần nhưng tác giả của nó, nhiếp ảnh gia Thái Phiên, không thể tổ chức bất cứ một cuộc triển lãm ảnh nào vì đến đâu cũng bị các cơ quan quản lý chức năng lắc đầu. Cuối năm 2007, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng đã lập hẳn một hội đồng nghệ thuật để thẩm định ảnh khỏa thân của Thái Phiên, giấy phép triển lãm đã có nhưng cuối cùng bị hủy vì “chưa đúng thời điểm và chưa thích hợp”. Ông Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu trong buổi góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội cũng xác nhận chưa một cuộc triển lãm ảnh nude nghệ thuật nào được tổ chức ở Việt Nam. Nguyên nhân là do tâm lý e dè của các nhà quản lý văn hóa.
Lĩnh vực hội họa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cách đây ba năm, 12 bức tranh khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Kim Đính bị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huế từ chối cấp phép ngay sát khai mạc vì “một số bức chất lượng nghệ thuật chưa cao, không phù hợp thuần phong mỹ tục” dù những tác phẩm này đã được Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế thẩm định, phê duyệt. Nhưng quan trọng hơn, nguyên nhân triển lãm này không được tổ chức là vì “có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam nên khi đưa ra phổ biến trước công chúng dễ dẫn đến nhận thức thẩm mỹ không lành mạnh”. Họa sĩ Nguyễn Kim Đính từng cho biết, ông rất buồn khi bị từ chối một cuộc triển lãm đã được Hội Mỹ thuật thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, dù tranh đã treo, giấy mời đã gửi, họa sĩ này vẫn phải dỡ tranh xuống trong sự phiền lòng.
Sau những thất bại của các nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, Nguyễn Kim Hoàng, Thái Phiên, câu chuyện của họa sĩ Kim Đính một lần nữa cho thấy sự bối rối của các cơ quan quản lý chức năng đối với tranh, ảnh nude nghệ thuật của các nhà quản lý trong cả nước. Nhiếp ảnh gia Thái Phiên bức xúc: “cụm từ “thuần phong mỹ tục” mà các nhà quản lý đưa ra là một khái niệm rất trừu tượng và đôi khi cụm từ này cũng khiến những nhà quản lý văn hóa lúng túng. Nó không khác “vòng kim cô” đặt lên đầu các nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật”. Anh cũng thẳng thắn đặt vấn đề: “Nếu muốn hạn chế cỏ dại thì trước hết phải trồng hoa. Hạn chế luôn những tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng thì vô tình chúng ta đẩy công chúng đến chỗ không biết được thế nào là ảnh nghệ thuật, tưởng ảnh nude chỉ là ảnh chụp trần truồng”.
Ảnh “nóng” tha hồ phát tán
Trong khi những tác phẩm nghệ thuật không đến được với công chúng thì rất nhiều tác phẩm “thô” lại được phát tán với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Bộ ảnh Ngọc Quyên nude vì “bảo vệ môi trường” đến giờ vẫn còn được dư luận bán tán vì nhìn những bức ảnh này, bảo vệ môi trường đâu chưa thấy mà chỉ thấy một “thông điệp” rõ ràng rằng muốn được chú ý thì hãy chịu khó... nude. Rất nhiều người lên tiếng nhận xét bộ ảnh của Ngọc Quyên không mang tính nghệ thuật, cũng không vì môi trường mà chỉ nhằm quảng bá bản thân.
Trước Ngọc Quyên, người mẫu nam Ngọc Tình cũng tung ra một bộ ảnh khiến người xem không khỏi suy diễn vì những tư thế chụp rất khó coi. Sau Ngọc Quyên, người đẹp Khánh Hòa Mai Hải Anh cũng tung ra bộ ảnh bán nude và sau đó là nude 100% rất phản cảm. Dù chủ nhân của bộ ảnh lên tiếng giải thích bộ ảnh được chụp vì nghệ thuật vì biển thì bộ ảnh của Hải Anh cũng bị dư luận phê phán...
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết thông tư mới đang dự thảo cũng sẽ đưa ra những phương án để quản lý các hoạt động phát tán ảnh trên internet. Nhưng ông cũng từng phát biểu trên một số phương tiện thông tin đại chúng rằng: Đây là điều rất mới bởi quy chế cũ không đề cập đến. Đó cũng là cái rất phức tạp và rất khó, cần phải có sự bàn thảo phối hợp với an ninh mạng và quản lý mạng cũng như Bộ Thông tin - Truyền thông… Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là sự bùng nổ của internet thì quản lý nhiếp ảnh hiện nay rất khó khăn.
Tác phẩm nghệ thuật không gợi dục vọng
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên khi nói về ảnh nude nghệ thuật cho rằng đó là bức ảnh mà khi công chúng nhìn vào thấy chân - thiện - mỹ, tâm hồn hướng đến cái đẹp chứ không gợi chút dục vọng nào. Ông khẳng định người trong nghề và công chúng đều phân biệt được đâu là nghệ thuật và trần trụi. Để có một tác phẩm nghệ thuật thực sự, người nghệ sĩ phải chọn bố cục, tốc độ, góc độ, sắc độ, khẩu độ, ánh sáng để đưa cái đẹp đến với người xem, ngược hẳn với ảnh không mặc áo quần mà gần đây giới showbiz thi nhau đưa lên mạng.