(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Khổ sở, bệnh tật vì khói bụi, người dân liên tục kêu cứu. Cơ quan chức năng đã ra nhiều quyết định xử phạt nhưng rồi đâu lại vào đó.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Từ nhiều năm qua, người dân P.Đông Hưng Thuận, Q.12 đã gửi không biết bao nhiêu đơn phản ánh, khiếu nại rồi cầu cứu đến chính quyền. Báo chí cũng đã có rất nhiều phản ánh về tình trạng này, các cơ quan chức năng từ phường, quận đến thành phố đã vào cuộc nhưng tình hình ô nhiễm không được cải thiện, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Các cơ sở vô tư xả khói đen ngòm ra khu dân cư - Ảnh: H.N
|
Chỉ một buổi là xô nước đen sì
|
Tại hội nghị chuyên đề về giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn do UBND Q.12 tổ chức sáng 2.3, nhiều đại biểu cho rằng xử phạt mà không có biện pháp cưỡng chế cụ thể thì cũng chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Trên thực tế, chỉ trong 2 năm 2010 và 2011, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt đối với 28 công ty, cơ sở gây ô nhiễm đóng tại khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận với số tiền lên đến gần 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, phạt thì cứ phạt, thậm chí có nhiều cơ sở bị xử phạt đến 2, 3 lần mà ô nhiễm thì vẫn không được khắc phục.
Tại các quyết định xử phạt, ngoài hình thức phạt tiền, cơ sở gây ô nhiễm còn phải khắc phục tình trạng ô nhiễm, nếu không chấp hành thì bị cưỡng chế. Theo quy định thì việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường thì thẩm quyền này thuộc Sở TN-MT và UBND TP. Thế nhưng, từ khi ra các quyết định xử phạt (đối với 28 cơ sở trên), Sở TN-MT và UBND TP.HCM vẫn chưa ban hành một quyết định cưỡng chế nào. Do vậy, các cơ sở trên đóng tiền phạt xong lại vô tư xả khói bụi.
Nộp phạt vẫn... lời
Nguyên nhân gây ra tình trạng khói bụi ô nhiễm là do trước đây, trong quá trình vận hành máy móc, các cơ sở dùng dầu để đốt lò hơi. Nay dầu lên giá nên các doanh nghiệp chuyển sang dùng củi, mạt cưa, vỏ hạt điều để đốt nên gây ra khói bụi và mùi khó chịu. Để đầu tư một quy trình công nghệ xử lý chất thải đạt chuẩn phải mất từ 4 đến 5 tỉ đồng. Để vận hành, mỗi cơ sở phải mất thêm vài tỉ đồng mỗi năm. Các cơ sở nơi đây hầu hết có quy mô nhỏ, không đủ diện tích để xây dựng hệ thống xử lý. Một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nhưng chỉ dùng để đối phó, trên thực tế không vận hành để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, với mức phạt vào khoảng 100 triệu đồng một lần, theo nhận xét của một cán bộ Phòng TN-MT Q.12, thì “các doanh nghiệp vẫn còn lời chán!”.
Phạt tiền thì chỉ thu thêm cho ngân sách nhà nước, còn người dân vẫn tiếp tục chịu đựng ô nhiễm. Cái họ cần chính là một giải pháp mang tính lâu dài.
Giải pháp là di dời
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND Q.12, nói: “Hiện nay, có nhiều cơ quan có chức năng xử lý vi phạm môi trường như thanh tra sở, ủy ban nhân dân, rồi cảnh sát môi trường... Cơ quan nào cũng có thẩm quyền xử phạt hoặc tham mưu xử phạt, nhưng khi nói đến trách nhiệm theo dõi sau khi xử phạt thì lại phát sinh nhiều bất cập. Nếu không có quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền thì quận cũng không làm gì được. Tôi kiến nghị thành phố nên giao thẩm quyền chủ động cho quận, nếu phát hiện vi phạm, quận có thể xử phạt và cưỡng chế kịp thời”.
Ông Hổ còn cho biết: “Trước mắt, quận đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành gồm Phòng TN-MT, Phòng Cảnh sát kinh tế, tư pháp... từ nay đến hết tháng 3 sẽ rà soát hết tất cả các cơ sở gây ô nhiễm, cơ sở nào vi phạm, đã có quyết định xử phạt nhưng chưa chấp hành khắc phục sẽ quyết tâm cưỡng chế. Những cơ sở hoạt động không phép, sai phép thì sẽ đình chỉ hoạt động. Về lâu dài, sẽ kiến nghị thành phố có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, lộ trình có thể là hết năm 2013, 2014 hay 2015... nhưng phải kiên quyết thực hiện”.