Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dữ liệu máy tính và ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trận cuồng phong tràn qua sa mạc Taklimakan hồi tháng 5/2007 với vận tốc 36 km/giờ đã cuốn theo khoảng 800.000 tấn cát bụi vào không trung. Khi gặp cao nguyên Tây Tạng cao sừng sững, chúng bị đẩy lên độ cao khoảng 5.000 m so với mực nước biển.
Một trận bão cát khủng khiếp ở Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: Daily Mail
Khi đó, dòng đối lưu của không khí nóng tiếp tục giữ đám bụi trên cao, nơi chúng gặp lốc xoáy đưa chúng đi vòng quanh thế giới ở độ cao 8.000-10.000 m. Sau 13 ngày, đám bụi quay trở lại nơi xuất phát là sa mạc Taklimakan (lớn thứ hai trên thế giới sau sa mạc Sahara ở châu Phi).
Trong hành trình vòng quanh Trái đất lần hai, một phần đám bụi đã rơi xuống Tây Bắc Thái Bình Dương do sự thay đổi đột ngột trong vùng thời tiết áp cao. Số khác có thể rơi xuống giữa Đại Tây Dương và vùng biển Balkan.
Từ các dữ liệu trên, trưởng nhóm nghiên cứu Itsushi Uno ở Đại học Kyushu, kết luận sa mạc Taklimakan là nhà máy sản xuất và phân phối bụi chủ lực trên toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, bụi ở châu Á có thể đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành mây trên cao, trong đó các hạt bụi cung cấp “hạt giống” để các phân tử nước bao lấy ngưng tụ và đóng băng.
Nguồn bụi giàu khoáng chất ở Taklimakan cũng có thể cung cấp dưỡng chất, cụ thể là chất sắt, cho các phiêu sinh vật dưới biển Bắc Thái Bình Dương.