(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Có một thời, xã đảo Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được người ta gọi là “làng tỷ phú”, bởi con tôm hùm đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho hàng trăm gia đình nơi đây. Nhưng mấy năm gần đây, bệnh sữa trên tôm hùm trở thành đại dịch vô phương cứu chữa, khiến nghề nuôi tôm ở đây dần “tuột dốc”.
Mùa tôm năm 2012 mới bắt đầu nhưng “bão bệnh” lại tiếp tục bùng phát. Mỗi ngày đi qua là mỗi ngày người dân nơi đây lại quặn lòng chứng kiến cảnh tôm hùm chết “trắng bè”, từ dăm chục đến 5 - 6 trăm con, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Đắng lòng trên những bè tôm
Khi bình minh vừa ló rạng trên mặt biển, những người đàn ông ở thôn Đầm Môn, Vĩnh Yên… đã lầm lũi lấy ghe, thúng chai lao nhanh về phía những bè tôm ken dày trên mặt biển Vân Phong. Họ lặng lẽ làm cái việc không hề mong muốn là lặn vớt tôm hùm chết dưới đáy lồng. Hơn 1 giờ sau, họ lại mang, ít thì vài con, nhiều thì cả giỏ tôm chết, đem về làng bán cho các đầu nậu với giá rẻ mạt, chỉ bằng 1/10 - 1/20 giá tôm sống.
Tôm hùm chết, người nuôi tôm ở Vạn Thạnh điêu đứng.
Từ bè trở về với giỏ tôm hùm chết trên tay, anh Nguyễn Khắc Dũng (thôn Đầm Môn) than thở: “Năm ngoái, thấy tôm hùm được giá, vợ chồng tôi dốc hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng để thả 4.000 con tôm giống.
Sau 3 tháng thả nuôi, loạt đầu, tôi “rớt” khoảng 500 con. Sau đó, thấy hiện tượng tôm chết có vẻ chững lại, tôi đã khấp khởi mừng. Nhưng đến tháng 10 (âm lịch) năm ngoái, tôm lại tiếp tục chết trắng bè, có ngày chết cả trăm con, khiến vợ chồng tôi “xây xẩm”.
Có lúc, vừa vớt tôm chết lên được mấy phút, lặn xuống đã thấy tôm lúc nãy còn đang bò giờ nằm phơi bụng chết. Đến thời điểm này, sau 10 - 12 tháng nuôi, số tôm của tôi đã chết hơn nửa (hơn 2.000 con), trọng lượng từ 0,7 - 0,9kg/con và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tiền con giống hết 800 triệu đồng (200 ngàn đồng/con), chưa kể tiền đầu tư lồng bè, nhân công, tiền thức ăn cho tôm mỗi ngày cũng ngốn vài ba triệu đồng, nếu nhân với ngần ấy thời gian nuôi thì thiệt hại tới bao nhiêu?”.
Tôm hùm lồng từng mang lại thu nhập đáng kể cho cư dân “làng tỷ phú”.
Đã mấy ngày nay, ông Nguyễn Dừa ở thôn Đầm Môn như ngồi trên đống lửa. Vì quá lo lắng và buồn bực chuyện tôm chết nên ông đã ngã bệnh. Nhưng nằm nghỉ cũng không yên, ông cứ đi ra đi vào rồi lại hối thúc con ra bè xem tôm thế nào.
10 năm liền gắn bó với nghề nuôi tôm nhưng chưa lúc nào, ông cảm thấy bất an như lúc này. Nhà ông có 28 ô lồng, thả nuôi được 3.100 con tôm hùm (1 năm), trọng lượng khoảng 0,7 - 0,8kg/con nhưng hiện đã chết gần nửa, 1.600 con còn lại vẫn tiếp tục hao hụt vì hiện tượng tôm chết chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Dừa than thở: “Hầu như người trong làng không ai trở tay kịp vì tôm chết hàng loạt. Ban đầu, tôi cũng có ý định “bán non” để vớt vát chút đỉnh tiền vốn. Nhưng do biết dịch bệnh, thương lái ép giá xuống chỉ bằng một nửa giá cuối năm ngoái và không bằng giá thị trường, nên nếu bán sẽ lỗ nặng; vậy là tôi đành ráng chờ giá lên”.
Không riêng ông Dừa, hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Thạnh đang trong cảnh “sống dở, chết dở” vì để không đặng, bán cũng chẳng xong.
Trắng tay vì “bão bệnh”
Khi tôm chết, người nuôi chỉ bán được với giá giảm 10-20 lần tôm hùm sống, nên thiệt hại rất lớn.
“Làng tỷ phú” giờ tiêu điều vì “bão bệnh”. Nhiều người dân hoang mang, mất ăn mất ngủ vì tôm chết hàng loạt. Hôm chúng tôi tới Đầm Môn, ngay ở đầu thôn, đã gặp ông Huỳnh Lộc với gương mặt phờ phạc, ngồi thẫn thờ trông bè tôm của mình.
Ông Lộc buồn bã: “Ròng rã gần 10 tháng trời, con tôm lớn được từ 0,5 - 0,7kg/con thì lũ lượt lăn ra chết. Vụ này, mấy cha con tui dốc hết vốn, cắm thêm 3 “sổ đỏ” để vay ngân hàng 400 triệu đồng thả nuôi 6.000 con tôm hùm, bây giờ chỉ còn khoảng 3.500 con. Nếu tính bình quân mỗi con tôm được 0,6kg (2.500 con), với giá thị trường 700.000 đồng/kg thì tui mất đứt hơn 1 tỷ đồng! Bao nhiêu tiền của, công sức, nhọc nhằn với sóng gió để nuôi tôm, giờ có nguy cơ tay trắng!”.
Đợt dịch này, ngoài các hộ nuôi tôm ở địa phương, còn có hộ ông T., ở thị trấn Vạn Giã ra đây đầu tư nuôi tôm là thiệt hại nặng nhất. Với hơn 100 ô lồng, lượng tôm mà ông T. thả nuôi lên đến 13.000 con, sau khi nuôi chừng 10 tháng thì tôm chết gần hết, đến nay chỉ còn lại 300 con, thiệt hại ước hàng chục tỷ đồng.
Thời điểm chúng tôi có mặt, ông T. đang đi rao bán bè tôm của mình để lấy tiền trả nợ. Hiện số tiền ông nợ ngân hàng, anh em bạn bè chưa biết lấy đâu để trả. Sở dĩ ông không muốn nêu tên cũng vì không muốn phơi bày nỗi khốn khổ của mình cho mọi người biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Ni, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Toàn xã có 350ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với 900 hộ nuôi 7.000 lồng tôm hùm. Tình trạng tôm hùm chết với các triệu chứng trắng sữa, long đầu, đen mang xảy ra từ tháng 10 (âm lịch) năm trước và kéo dài tới nay.
Trước Tết Nguyên đán, ngày cao điểm, số tôm chết trong xã lên đến 400kg, tương đương gần 4 tấn trong vòng 3 tháng! Tôm chết chủ yếu là loại tôm thịt đã được nuôi khoảng 10 - 12 tháng, trọng lượng 0,5 - 0,7kg/con. Từ đầu năm đến nay, hiện tượng tôm chết tuy có giảm, nhưng mỗi ngày, vẫn có khoảng 500 - 600 con tôm chết (250kg). Thiệt hại trong đợt dịch này ước tính hàng trăm tỷ đồng”.
Để “cứu” bè tôm, nhiều hộ nuôi tôm ở Vạn Thạnh có ý định bán tháo tôm, những mong gỡ gạc chút vốn liếng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giá tôm ở đây lại bị thương lái ép xuống chỉ còn bằng nửa giá cuối năm ngoái, thậm chí thấp hơn giá thị trường từ 300 - 400 ngàn đồng.
Do tâm lý “còn nước còn tát”, người nuôi tôm hùm đành cắn răng chống chọi với “bão bệnh”, “nín thở” chờ giá lên trong khi lòng vẫn lo ngay ngáy. Để không đặng, bán cũng chẳng xong, nguy cơ lâm vào cảnh tay trắng là tình cảnh của người nuôi tôm ở Vạn Thạnh hiện nay.
Đâu là nguyên nhân?
Năm 2001, khi khởi nghiệp nuôi tôm hùm, ngoài chút ít vốn liếng của gia đình, anh Nguyễn Khắc Dũng vay mượn thêm của anh em, bạn bè hàng trăm triệu đồng để thả nuôi 2 lồng tôm hùm. Giai đoạn 2001 - 2007, liên tiếp thắng lớn nên chỉ trong 6 năm, anh Dũng đã phát triển được 40 lồng tôm hùm. Nhưng đến mùa vụ 2007 - 2008, không riêng anh Dũng, cả xã Vạn Thạnh “tan tác” vì dịch bệnh sữa trên tôm hùm, nhiều nhà “tán gia bại sản”.
Sau vụ đó, người nuôi tôm ở Vạn Thạnh có vẻ dè dặt hơn, số lượng tôm thả nuôi cũng ít hơn. Tuy vẫn còn hiện tượng tôm chết rải rác, nhưng do số lượng không nhiều nên người nuôi tôm vẫn lãi cao. Hơn thế, năm 2010 - 2011, có thời điểm, giá tôm loại 1 lên đến 2,7 - 2,8 triệu đồng/kg; số gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng không hiếm.
Vì thế, năm 2011 và đầu năm 2012, lượng tôm hùm thả nuôi ở Vạn Thạnh lại tăng chóng mặt: 7.000 lồng, ước hơn 1 triệu con giống.
Theo ông Phan Văn Ni, tôm chết là do số lượng lồng tôm thả nuôi quá dày, chất thải từ thức ăn nuôi tôm tích tụ hàng năm rất lớn, làm cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, bệnh sữa trên tôm hùm đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị hữu hiệu, người dân vẫn dùng các loại thuốc chữa bệnh cho tôm sú nhưng không mấy kết quả. Hơn thế, do “xót của”, hầu hết số tôm hùm chết đều không được dân đem tiêu hủy mà vẫn bán để vớt vát nên nguy cơ bùng phát dịch lại càng lớn. Điều này dễ làm mầm bệnh phát tán và lây lan ra các vùng nuôi xung quanh.