Quốc lộ 14 là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực Đông Nam Bộ. Vài năm trở lại đây, tuyến đường này đã trở thành nỗi ám ảnh của cánh tài xế và nhà xe.
Sơ sẩy là lọt “bẫy”
Trong tổng chiều dài khoảng 350 km toàn tuyến Quốc lộ 14, có hơn một nửa đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa. Những đoạn đang được cải tạo, nâng cấp thì tiến độ rất chậm nên đường đã hư nay lại càng nát. Vậy mà, trên toàn tuyến này có tới 8 trạm thu phí giao thông!
Anh Trần Thanh Long, tài xế xe khách tuyến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - TPHCM, bức xúc: “Đoạn đường chỉ vài trăm cây số nhưng 2 tài xế phải thay phiên nhau lái và phải cố gắng tập trung cao độ, nếu không là xe lọt “bẫy” ngay!”.
Theo lãnh đạo một số đơn vị kinh doanh xe khách chạy tuyến Quốc lộ 14, trước đây, từ TP Buôn Ma Thuột đi TPHCM chỉ khoảng 8 giờ nhưng nay phải mất ít nhất 10 giờ.
“Đường quá xấu đã làm nhiều xe nổ lốp, lật ngang, gây tai nạn giao thông. Theo tính toán của các doanh nghiệp thì chi phí nhiên liệu, sửa chữa xe cộ tăng 10%-15% so với trước” - giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Buôn Ma Thuột cho biết.
Xe cộ thường xuyên lấn tuyến để tránh lọt “bẫy” trên Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Bù Đăng - Bình Phước. Ảnh: Cao Nguyên
Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, đoạn Quốc lộ 14 từ huyện Đắk Song đến khu vực Cây Chanh dài 75 km nhưng có đến 173 “ổ voi”, mỗi “ổ” rộng 0,5-3 m2, sâu 10-60 cm. Nhiều đoạn bị cây cối che khuất tầm nhìn, không có lan can bảo vệ, trong khi sát mép đường là những vực sâu.
Cũng trên tuyến đường này, từ cầu 20 - Đắk Nông đến huyện Chơn Thành - Bình Phước có 4 dự án cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) đã lần lượt khởi công trong các năm 2010, 2011. Tuy nhiên, với lý do kinh tế khó khăn, không những để chậm tiến độ mà các doanh nghiệp xây dựng còn liên tiếp đề nghị giảm quy mô công trình.
Tài xế, nhà xe ngán ngẩm
Tại Khánh Hòa, chỉ 152 km Quốc lộ 1A đã có đến 2 trạm thu phí là Ninh An (thị xã Ninh Hòa) và Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh) hoạt động nhưng đường nhiều nơi ngày càng xuống cấp.
Đoạn đường phía Nam huyện Diên Khánh được sửa chữa tạm vào cuối năm 2011 nhưng hiện vẫn gây khó khăn cho xe cộ qua lại.
Bà Nguyễn Thị Hà, một chủ xe ở thị trấn Diên Khánh, nhận xét: “Đi lại trên tuyến đường này hết sức nguy hiểm vì xe chỉ chạy một làn đường, làn còn lại đang làm dở dang”.
Phía Bắc TP Nha Trang, Quốc lộ 1A có nhiều đoạn nhỏ hẹp, đầy “ổ gà”. Tại các đèo Rọ Tượng, Rù Rì…, đường gồ ghề, bong tróc, từng mảng nhựa nhấp nhô, tai nạn thường xuyên xảy ra. Đoạn đường ngay trước Trạm thu phí Cam Ranh cũng rất xấu...
“Hằng tháng, xe tôi mất gần 1 triệu đồng phí đường bộ, trong khi phải đi trên nhiều đoạn đường kém chất lượng. Với những tuyến đường như vậy, thu phí giao thông quả là không phù hợp” - anh Lê Tấn Nam, tài xế xe khách đường dài ở Nha Trang, bày tỏ.
Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Phú Yên dài 125 km được xem là xấu nhất của khu vực miền Trung. Theo Công ty TNHH một thành viên Quản lý - Sửa chữa đường bộ Phú Yên, quãng đường này có đến 13 khu vực đang bị hư hỏng nặng, trong đó có 3 điểm nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao là đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), dốc Vườn Xoài (xã An Dân, huyện Tuy An) và tuyến tránh thị xã Sông Cầu.
Trên những đoạn đường này, từng mảng lớn nhựa bị bong tróc, đơn vị sửa chữa phải đổ đá rồi phủ lớp đất lên trên cho xe đi tạm. Sau vài cơn mưa, lớp đất mặt trôi đi, lộ đá nhọn lởm chởm, trở thành những “bẫy chông” đe dọa xe qua lại.
“Cánh tài xế, nhà xe đường dài ai cũng ngán ngẩm khi đi qua Phú Yên, vậy mà phí giao thông vẫn phải đóng đủ. Không chỉ hư xe, tốn nhiên liệu, nhiều tài xế còn bị chủ hàng phạt vì không bảo đảm giờ giấc do phải “bò” từng mét một trên những đoạn đường hư nát” - anh Trần Văn Tánh, tài xế xe tải đường dài ngụ tại TP Tuy Hòa - Phú Yên, than vãn.
Kiến nghị giảm 50% phí đường cao tốc
Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM ngày 28-2 có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Tài chính giải quyết những bất hợp lý liên quan đến việc thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Theo đó, Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM kiến nghị giảm giá phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương 50% so với giá phí hiện hành; áp dụng chung mức phí 4.000 đồng/km cho xe container 20 feet và 40 feet (mức phí 2 loại xe này hiện chênh lệch nhau 4.000 đồng/km).
Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị không lắp đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A. Theo hiệp hội, nếu phương tiện vận tải không sử dụng dịch vụ đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường này.
A.Nguyệt
|