Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp, làng nghề cũng như không ít sông, hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều khu công nghiệp lớn đã bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính là do lượng nước thải sinh hoạt không được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Bên cạnh đó, trong hơn 1.200 khu công nghiệp đang hoạt động, có khoảng 800 khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa hiệu quả ra môi trường, gây suy thoái nghiêm trọng nguồn nước.
Nâng cao hiệu quả xử lý nước là một yêu cầu thiết thực
Đặc biệt, chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp ngày càng lớn về số lượng, đa dạng về tính chất độc hại (chất thải nguy hại chiếm khoảng 20% tổng lượng chất thải công nghiệp), nhưng tỷ lệ thu gom, phân loại và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường lại rất thấp. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực khoáng sản diễn ra nghiêm trọng: Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, sử dụng bừa bãi các loại hóa chất độc hại, không phục hồi, hoàn thổ, hoàn nguyên môi trường sau khai thác... cũng ảnh hưởng đến nguồn nước.
Tại hội thảo, các DN Nhật Bản đã giới thiệu những công nghệ xử lý nước công nghiệp, nước sinh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Theo đó, các DN có cơ hội tiếp cận với các công nghệ như: Hệ thống đo, kỹ thuật đo của xử lý nước; màng thấm nước cho phương pháp xử lý nước thải sử dụng bùn hoạt tính tách màng; thiết bị tái chế nước dạng đóng; thiết bị xử lý nước kết hợp giữa "lọc bằng cát" và kỹ thuật lọc đặc thù.
Phương thức xử lý nước ô nhiễm hiện đại sử dụng màng, hệ thống lắng nhanh và 3D + hệ thống phát điện bằng khí sinh học. Đáng chú ý, một số DN Nhật Bản đã đem đến công nghệ xử lý nước công nghiệp và sinh hoạt hữu dụng với công nghệ hiện đại, như: Công ty Cổ phần Jtop - giới thiệu thiết bị lọc nước thải tuần hoàn JS, có thể lọc nước thải công nghiệp, sinh hoạt. Với chi phí thấp, thiết bị này sử dụng than hoạt tính và thuốc hút dính, có thể xử lý nước thải nhiều lần mà không cần thay than hoạt tính hay thuốc hút dính. Với thiết bị này có thể tái chế tự động mà không cần lấy than hoạt tính hay thuốc hút dính ra khỏi bể.
Công ty Môi trường Clarus Sadaie Tamiko cung cấp phương pháp bùn hoạt tính sục khí mức độ thấp. Đây là phương pháp xử lý nước thải gần với tự nhiên, làm giảm lượng bùn dư thừa và điện năng sử dụng. Công ty TNHH Công nghiệp FUJIWARA giới thiệu máy nạo vét bùn dùng đường ray đơn. Máy có kết cấu đơn giản, không gây trọng tải quá lớn lên thành của lưu vực sông hồ, có thể thu gom bùn ở một khu vực rộng lớn và không gây ăn mòn cho bùn, dễ dàng lắp đặt, chi phí thấp…
Theo ông Lê Minh Đức - Phó tổng thư ký VEIA, sau hội thảo này, nhiều công nghệ sẽ được DN Việt Nam tiếp cận, áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước nói riêng và phát triển ngành công nghiệp môi trường nói chung.