Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Yên Tử sẽ rực mai vàng
Trời giá buốt, u ám, đường lên đỉnh chùa Đồng ở núi thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) bỗng hiện ra trước mắt tôi cành hoa mai vàng rực như nắng. Làm sao cây mai vàng phương Nam lại khoe sắc ở đại ngàn xứ Bắc này?
Phạm Văn Sự, chàng trai trẻ gắn bó với Trung tâm quản lý di tích Yên Tử 10 năm nay, trả lời: “Mai vàng đã có lâu lắm, chắc từ thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tổ sư Huyền Quang, mai Yên Tử lá màu xanh nhạt, hoa 5 cánh, đài hoa to hơn, màu vàng rộm, có mùi thơm, giống mai Huế, khác mai miền Nam. Cây to nhất có đường kính 43cm cao 20m ở khu vực thác Huy - Yên Tử...”.
Anh Sự đã đi khắp rừng quốc gia Yên Tử, biết tường tận từng gốc mai, biết rõ “tính cách” và những nguy cơ mà loài hoa đang phải đối mặt.
Mai vàng Yên Tử đang lão hóa dần và gần như không sinh sôi được nữa. Yên Tử nhiều sườn dốc cao, khi quả mai rơi hạt xuống chưa kịp nảy mầm đã bị nước rửa trôi. Một vài hạt hé mầm xanh, lại gặp ngay cái rét tê buốt của núi cao nên không thể sống sót.
Tốt nghiệp khoa Môi trường - Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia), anh Sự về Ban quản lý di tích Yên Tử, coi rừng như nhà mình. Sau khi nghiên cứu, anh bắt đầu thí nghiệm ghép cành và ươm hạt mai. Chờ các “cụ” mai sinh nở kể cũng dằng dặc và có phần vô vọng.
Nhưng rồi một ngày kia, hạt mai nảy mầm xanh, các cành ghép cũng ra rễ. Anh chăm sóc, tưới tắm cho mai, che chắn gió. 1 năm, 2 năm trôi qua, cây mai lớn, năm thứ 3 vẫn chỉ có lá và năm thứ 4, mùa xuân, anh nhìn thấy những nụ mai vàng.
Anh bắt đầu nhân giống nhiều hơn, trong năm 2011 cung cấp 300 cây mai để trồng bổ sung tại trụ sở của khu di tích Yên Tử. Tới Lễ hội mùa xuân Yên Tử năm 2013, khu di tích này sẽ rực rỡ trong sắc vàng của 300 cây mai bung nở.
Anh Sự cùng tôi leo lên chùa Một Mái dựa vào núi đá thẳng đứng, ở đó có thể nhìn thấy cả không gian rộng lớn của rừng quốc gia Yên Tử. Rừng còn nhiều gỗ quý, nhưng ngày đêm trong tầm ngắm của lâm tặc.
Chẳng ai ngờ việc nhân giống cây mai của anh lại mở ra cách mới giúp đại ngàn hết chảy máu. Anh nói: “Tôi sẽ hướng dẫn cho người dân kỹ thuật ươm ghép giống mai Yên Tử.
Mai Yên Tử là giống cây quý có thể bán cho khách thập phương về đây, rồi bán hoa mai vào dịp Tết cũng thể giúp họ kiếm thêm thu nhập. Người dân có thêm một kế sinh nhai, họ sẽ không phá rừng để kiếm sống nữa”.
Anh Sự đã nối dài cuộc đời của giống mai Yên Tử. |
Gắn GPS cho cây quý
Xích tùng Yên Tử cũng đang không có “con cháu nối dõi”. Ở Yên Tử, dường như cứ lên một đỉnh núi lại gặp một am tháp, và hai bên am tháp bao giờ cũng có cây xích tùng.
Anh Sự nhận ra, xích tùng đang già yếu dần, không có cây con tiếp nối. Anh tìm hiểu kỹ và phát hiện hạt xích tùng nhỏ, lại chứa nhiều tinh dầu nên hễ rụng xuống lại bị kiến, mối ăn ngay. Nếu hạt nào nẩy mầm không bị nước rửa trôi theo sườn dốc thì lại bị sâu ăn hay lá cây khác đè lên.
Anh nghiên cứu kỹ quá trình cây rụng hạt để lấy về gieo thử ở vườn nhà và ở Yên Tử. Đất tốt, đủ mọi yếu tố nhưng hạt không nảy mầm.
Từ năm 2003 đến 2005, gieo hạt đều thất bại. Lần gieo hạt tiếp theo, sau 3 tháng không nảy mầm, anh Sự không bỏ, tiếp tục chờ đợi. Tháng thứ 6, thứ 7, rồi đến tháng thứ 8, mầm xanh nhú lên... Chờ đợi mầm xanh ấy quá lâu, khiến niềm vui của anh vỡ oà.
Thì ra, giống xích tùng Yên Tử phải 8 tháng mới nảy mầm. Từ đó, những mầm hạt mà anh Sự gieo lên xanh với tỷ lệ trên 65%.
Nhưng vừa nảy mầm, nhiều cây chết vì nấm, thối nõn, thối rễ. Anh Sự một mình mày mò trị bệnh cho cây non. Đến nay, cây lớn nhất cũng cao gần hai mét, mang vóc dáng của xích tùng Yên Tử. Anh đã nhân giống được 200 cây.
Anh Sự nhìn lên đỉnh núi cao, bảo: “Tôi muốn cây tùng, cây mai sẽ mãi trường tồn ở Yên Tử nên gắng sức làm thôi, chứ cũng có gì xuất sắc đâu”.
Cũng chẳng phải việc của mình, nhưng anh Sự lại tìm hiểu và đưa ra ý tưởng để trị bệnh cho cây tùng. 12 “cụ” tùng nhờ thế được cứu sống. Rồi cũng chính anh đề xuất với lãnh đạo giải pháp để bảo vệ rễ của các “cụ” tùng ở chân tháp Huệ Quang.
Lo tùng mai Yên Tử bị lâm tặc chặt mất, anh Sự lại nghĩ ra việc gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS cho những cây quý này. Từ ý tưởng đó, các cơ quan khoa học đã giúp sức và đến nay trên 100 cây tùng mai Yên Tử đã được cấy GPS.
Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích Yên Tử, cho hay: “Nhờ việc ươm giống thành công mai vàng và xích tùng Yên Tử, Trung tâm đã đồng ý với đề xuất của Sự xây dựng vườn ươm giống mai vàng, xích tùng, đại để trồng bổ sung ở Yên Tử”.