Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nguy cơ xuất hiện một “trường học ung thư” đang dần hiện hữu ở Hải Phòng
Hôm 4/3, em Nguyễn Thị Kim Khuyên, học lớp 6D do hít phải khói có mùi khét đã bị choáng, khó thở, buồn nôn. Cháu đã được chuyển tới trạm y tế phường để theo dõi và điều trị. Ban giám hiệu nhà trường đã phải tạm thời cho các lớp nghỉ học.
Kể từ sự cố đầu tiên hồi tháng 10/2009, thì đây là lần thứ 5 thầy và trò của trường Quán Toan phải nhập viện vì hít phải khí độc hại do một số nhà máy sản xuất thép gần đó xả thải ra môi trường xung quanh.
Ngay trong ngày 4/3, cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời, tiến hành đo đạc nhanh môi trường xung quanh trường THCS Quán Toan. Kết quả cho thấy: không khí tại khu vực trường học bị ô nhiễm nặng ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt các chỉ số về khí dioxit lưu huỳnh (SO2), axit sufua ( H2S) và các loại khí nitơ oxít (NOx) đều vượt quá quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường Việt Nam.
Tại vị trí lấy mẫu ở hành lang phòng vi tính của Trường THCS Quán Toan, chỉ số NOx vượt 23,5 lần, chỉ số SO2 vượt 12,8 lần. Tại cổng nhà ông Nguyễn Nguyên Sơn ở Khu đô thị Long Sơn, Quán Toan, Hồng Bàng, TP Hải Phòng, chỉ số H2S đã vượt 11 lần, chỉ số NOx vượt 4,2 lần. Tại hành lang phòng học các lớp 8C, 8D chỉ số khí SO2 tăng 12 – 13 lần, nhiệt độ cao ở mức 25 – 26,5 độ.
Theo các kết quả báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường trước đó cũng đều khẳng định: nồng độ các chất độc hại có trong không khí như SO2, CO, N ở trường THCS Quán Toan đều vượt gấp 2 – 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc khí khiến các em học sinh bị choáng ngất hàng loạt.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể chỉ mặt, vạch tên ai là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường, bởi có tới 7 doanh nghiệp thép đang đóng trên địa bàn bao gồm: Công ty CP thép Việt – Nhật; Công ty CP Cửu Long – Vinashin; Công ty liên doanh thép Việt – Úc (VSC – Posco), Công ty CP thép Vạn Lợi; Công ty thép Việt – Hàn (Vinasteel); Công ty TNHH ống thép Việt Nam Vinapipe và Công ty liên doanh sản xuất thép SSE.
Hồi cuối năm 2009, thành phố đã yêu cầu 7 nhà máy trên phải tạm dừng hoạt động, song ngay lập tức các doanh nghiệp trên đã phản ứng gay gắt, không đồng tình với “phán quyết” này.
Người dân Hải Phòng vừa lo lắng cho sức khoẻ của con em vừa bức xúc kiến nghị chính quyền thành phố tích cực hơn nữa trong việc giải quyết dứt điểm vấn nạn gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy sản xuất thép ở khu vực Vật Cách-Quán Toan này, nếu không một nguy cơ xuất hiện một “trường học ung thư” đang dần hiện hữu.