Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần bổ sung nhiều chế tài hơn trong quản lý tài nguyên và môi trường

(08:25:46 AM 24/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Chiều 23/2, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố.

 


Từ những mặt hạn chế của Hà Nội trong lĩnh vực TN&MT, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng đồng bộ với các Luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong việc thực thi Luật Đất đai. 


Để triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ có sự chỉ đạo, thống nhất giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất nhằm tránh chồng chéo, lãng phí. Nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý, sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp với xu thế phát triển trong thời gian tới tại các đô thị. Đối với những dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất lớn, công trình theo tuyến, công trình trọng điểm, để đảm bảo được tiến độ dự án, cho phép UBND thành phố thu hồi đất tổng thể theo từng giai đoạn để thực hiện dự án đầu tư.


UBND thành phố cũng đề nghị Bộ nghiên cứu xây dựng chế tài đủ mạnh (theo hướng tăng nặng) để xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; Chỉ đạo hướng dẫn tiếp tục thực hiện sau khi tổng kết thực hiện Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp. Bộ sớm chủ trì, phối hợp các các Bộ, ngành xem xét giải quyết các khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở.


Một khó khăn, bất cập nữa mà UBND thành phố Hà Nội đưa ra đó là công tác đấu giá quyền sử đất. UBND thành phố đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ, quy trình thủ tục tổ chức thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp với thực tiễn, giúp thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ đấu giá quyền sử dụng đất.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đề nghị Bộ TN-MT nghiên cứu, điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là khung giá đất. Bởi Hà Nội rất khó thực hiện trong việc "xác định giá đền bù sát với thị trường trong điều kiện bình thường", vì người dân thường căn cứ vào chủ trương đó của Nhà nước để có những đòi hỏi, khiếu nại không đúng với quy định đã ban hành. Tuy nhiên, quan điểm của Hà Nội là vận dụng quy định của Luật một cách tối đa khi thực hiện đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Hiện tại, Hà Nội đang chọn hệ số K cao nhất để đền bù cho dân, trong khi khung của Nhà nước đang áp dụng từ 1,5 đến 5 lần. 

Trước những khó khăn, vướng mắc cũng như một số mặt hạn chế của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận, quản lý hồ sơ địa chính. Thành phố cần tập trung làm tốt công tác kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là những bức xúc về ô nhiễm nước thải tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, bệnh viện, cũng như những nhức nhối về việc xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn hay ô nhiễm không khí.

Hiện nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, đã giao đất và cấp 646.863 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, đạt 93% số giấy cần cấp đất (đất nông nghiệp của 47 phường ven đô chưa cấp do nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị). Đồng thời, cấp 1.014.760 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phi nông nghiệp cho các hộ gia đình cá nhân tại khu vực đô thị và nông thôn (các trường hợp đủ điều kiện), đạt 92% số thửa đất cần cấp. Tuy nhiên, số giấy chứng nhận cấp cho các tổ chức đơn vị sử dụng đất mới đạt 25%. Đây chính là khó khăn nhất của Hà Nội hiện nay, bởi các tổ chức, đơn vị này phần lớn không có nhu cầu làm "sổ đỏ"; hoặc các đơn vị đó có nhu cầu nhưng do vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai nên đã không chủ động trong vấn đề này.

Minh Nghĩa