Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Biển xâm thực khu du lịch

(15:00:47 PM 23/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang bị nước biển xâm thực, lấy mất đất, cuốn trôi nhà cửa. Đến nay vẫn chưa có giải pháp gì để ngăn chặn.

 

 

Chòi lá của quán Thanh Thanh ngập nước biển - Ảnh: Đông Hà

 

Tại xã Phước Thuận, con đường dẫn ra bờ biển đã bị hở hàm ếch. Trước đây, điểm cuối của con đường này cách điểm hiện tại hơn 100m. Dấu vết còn lại là những tảng bêtông nằm chỏng chơ, lộn xộn giữa nước biển. Sợ du khách đi quá đà lao xuống biển, người dân phải dùng hai chiếc ghế và một thanh gỗ ngang chắn lại làm barie.

Quán Thanh Thanh (nằm sát con đường trên) bị biển “lấn” sâu vào trong, những chòi lá có ghế vốn để du khách nghỉ ngơi thì giờ đây là nước. Đồn biên phòng 492 (Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sát quán này cũng bị biển “gặm” dần. Một cán bộ ở đây cho biết mấy năm trước, sát với nhà của đơn vị là rừng dương rồi đến bãi biển. Nhưng bây giờ rừng dương bị nước biển đánh bật gốc, nhà ngang của đơn vị lòi phần móng và phải bỏ hoang.

Đêm 10/1/2012, nước biển đã tràn vào đánh sập một căn nhà gỗ, ba chòi lợp ngói và ba căn bungalow của khu du lịch Hồng Hà, thiệt hại khoảng vài tỉ đồng. Hàng loạt khu du lịch như Hương Phong (Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồng Phúc (Việt - Nga Vietsovpetro), Hồ Tràm - Sanctuary, Cát Tiên... lâm vào tình cảnh tương tự. Mới đây nhất, ngày 17/2, khu du lịch Biển Xanh bị nước biển “nuốt chửng” một nhà hàng. Theo Ban quản lý các khu du lịch huyện Xuyên Mộc, nước biển ở xã Phước Thuận đã ăn sâu vào trong đất liền hơn 100m.

Ông Đỗ Hồng Lam, giám đốc ban quản lý, cho rằng nguyên nhân do nước biển dâng cao và do khai thác cát ngoài biển. Trong khi đó chính quyền địa phương chưa có giải pháp khắc phục, để các khu du lịch tự chống đỡ bằng việc kè đá thiếu khoa học khiến việc sạt lở ngày càng trầm trọng hơn.

Lãnh đạo huyện Xuyên Mộc cho biết huyện đã có báo cáo và đề nghị tỉnh cùng các ngành chức năng nhanh chóng tìm giải pháp để chống sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì.

* Ngày 21/2, UBND TP.HCM có văn bản khẩn yêu cầu nhiều cơ quan chức năng có trách nhiệm cùng phối hợp khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong 62 khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó ưu tiên di dời khẩn cấp các hộ dân tại 29 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.

Theo UBND TP, trong 62 vị trí có nguy cơ sạt lở có 34 vị trí đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư. Còn lại 28 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh rạch, Sở Giao thông vận tải TP được giao làm chủ đầu tư triển khai các khâu chuẩn bị đầu tư.

ĐÔNG HÀ - QUỐC THANH (Tuổi trẻ)