(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Sau khi Tin Môi Trường đăng tải bài viết Vụ “Lò bánh mì gây ô nhiễm ở Q.8: Phải để dân tin”, chúng tôi đã nhận được thư phản hồi của độc giả Trần Anh về vấn đề trên. Để rộng đường dư luận, Tin Môi Trường đăng tải ý kiến phản hồi về vụ việc trên.
>>Vụ "Lò bánh mì gây ô nhiễm ở quận 8": Phải để dân tin!
Từ tháng 12/2010, UBND TPHCM đã có Công văn số 9575/VP-ĐTMT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài gửi Sở TN&MT, UBND quận 8 yêu cầu kiểm tra xử lý nghiêm theo qui định. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến người dân tiếp tục khiếu nại
Kính thưa BBT Tin Môi Trường, tôi là Trần Anh (sinh năm 1958) thường trú tại nhà số 28 Phong Phú, phường 12, Quận 8, TP.Hồ Chí Minh , là người đã phản ánh vụ việc lò bánh mì Tiến Phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.
Sau khi đọc những thông tin được thông tin trả lời của đại diện Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM trên Tin Môi Trường, tôi xin có một số ý kiến nhờ BBT Tin Môi Trường cho đăng tải:
Thứ nhất, ngày 07/07/2011, tôi không hề thấy Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp với Phòng LĐTB & XH Q.8 đến kiểm tra.
Thứ hai, Kết quả thanh tra ngày 18/07/2011 của đoàn thanh tra khẳng định: “Theo kết quả đo môi trường tại lò bánh mì Tiến Phát không phát sinh hơi khí độc, không thuộc diện phải áp dụng theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế. Cụ thể là trong 04 mẫu đo nhiệt độ tại khu vực lò nướng lúc chưa mở lò, khu vực quấy trộn, khu vực làm bánh bằng tay, khu vực lò nướng lúc mở lò có một vị trí vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Nhiệt độ lúc mở cửa lò cao hơn nhiệt độ cho phép là 2,7 độ C. (Nhiệt độ ngoài trời là 31 độ, nhiệt độ ở khu vực mở cửa lò là 33,7 độ C). Ngoài ra, tất cả những tiêu chuẩn khác như độ ẩm, tốc độ gió, ánh sang, tiếng ồn, bụi và hơi khí độc đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép”.
Sự khẳng định trên là không khách quan, trái với thực tế và làm trái với Quyết định 3733/2002/QĐ- BYT. Vì việc sản xuất bánh mì có sử dụng dầu, bơ, chất lên men và nhiều thành phần khác….Đâu phải sản xuất nước nóng hoặc nghành nghề nào khác mà chỉ phát sinh hơi nóng.
Ngoài ra, biên bản khẳng định tất cả các tiêu chuẩn khác như độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng, tiếng ồn, bụi và hơi khí độc đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép là không đúng sự thật. Vì căn cứ theo kết quả đo đạc ngày 10/04/2009, ngày 22/05/2009, ngày 23/09/2010 thì nhiệt độ tại khu vực mở lò là 36oC. Ngoài ra, tôi khẳng định rằng những yếu tố độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng và hơi khí độc chưa từng được đo đạc. Còn tiếng ồn thì vượt tiêu chuẩn cho phép (căn cứ kết quả đo đạc của Cảnh sát môi trường thành phố). Về ban đêm thì tiếng ồn của cơ sở này vượt mức quy định rất nhiều.
Căn cứ Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn tổ chức bộ máy của Bộ Y tế, sau khi có sự nhất trí của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại công văn số 941/LĐTBXH- BHLĐ ngày 02/04/2002, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại công văn số 0805/PTM- VPGC ngày 17/04/2002, theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký, ban hành Quyết định số 3733/2002/QĐ- BYT ngày 10/10/2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động.
Theo đó, việc sản xuất bánh mì nằm trong danh mục sản xuất có phát thải các yếu tố độc hại cho sức khỏe. Quyết định này quy định tiêu chuẩn khoảng cách từ nơi sản xuất bánh mì đến khu dân cư tối thiểu là 100m.
Hơn nữa, diện tích cơ sở sản xuất bánh mì là quá nhỏ (khoảng 21m2), tôi có đề nghị cơ sở sản xuất bánh mì dời 2 lò sang số nhà 24 thì Phó chủ tịch Q.8 là ông Nguyễn Hồ Hải và chủ cơ sở sản xuất bánh mì cho rằng “Nếu dòi qua số 24 thì chủ nhà số 22 kiện thì sao”??? Vậy, nếu không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và không vi phạm pháp luật thì tại sao người ta lại kiện cơ sở được.
Đại diện Thanh tra sở cho biết “Từ ngày 3/4/2009 đến ngày 23/09/2010 đã có 08 lần thanh tra kiểm tra đo đạc” là không đúng sự thật, và những lần đo đạc là không khách quan, đo thiếu, đo đạc không đúng nguyên tắc quy định. Cụ thể là: trên nóc nhà cơ sở sản xuất bánh mì Tiến Phát có đặt 04 ống khói và 02 ống vuông thoát hơi dầu nóng.
Các lần đo cụ thể như sau:
Ngày 3/4/2009: Chỉ đo 1 ống và chỉ đo độ ồn tại nhà tôi.
Ngày 10/04/2009: Chỉ đo nhiệt độ và độ ồn.
Ngày 29/04/2009 Phòng Tài nguyên Môi trường Q.8 có công văn số 341/TNMT-MT; trả lời cho tôi. Tôi có ý kiến rằng “Cơ sở bánh mì Tiến Phát hoạt động sử dụng 2 lò, mà chỉ đo 1 lò là không đúng” thì được câu trả lời “Nếu cô muốn đo lại có thể mời đơn vị khác, mọi chi phí cô chịu và Phòng TNMT Q.8 sẽ giám sát việc đo đạc”
Ngày 22/05/2009 tôi mời đơn vị đến để đo đạc. Trước khi đoàn kiểm tra đến thì tôi thấy cơ sở bánh mì đã tắt lò rồi. Khi đoàn kiểm tra đến hiện trường thì cơ sở mới bắt đầu vận hành trở lại. Tôi đề nghị đo hết 06 ống khói nhưng phòng TNMT Q.8 đề nghị đo 02 ống nên lần đo này cũng không khách quan và đo thiếu.
Ngày 23/09/2010, trước khi kiểm tra thì cơ sở này được báo trước vào ngày 22/09/2010. Và lần kiểm tra này chỉ đo 1 ống nhiệt độ, độ ồn.
Ngày 21/10/2010, tôi được UBND Q.8 mời họp và đưa tôi một xấp kết quả đo đạc. Bao gồm:
Ngày đo 23/09/2010: đo nhiệt độ, độ ồn, ống khói chỉ đo 01 ống và không khí xung quanh.
Ngày 17/06/2009: Chỉ đo 01 ống.
Ngày 05/07/2009: Chỉ đo 01 ống và không khí xung quanh.
Ngày 06/08/2009: Đo nhiệt độ và độ ồn.
Ngày 06/05/2009: Không có kết quả đo đạc.
Điều đáng nói là 04 lần đo đạc trên tôi không hề biết và kết quả trên hơn 1 năm sau tôi mới nhận được, như vậy có khách quan và đúng nguyên tắc không?
Tôi đề nghị các cấp chính quyền TP nhanh chóng có những biện pháp khách quan và kịp thời nhất để trả lại môi trường trong sạch cho chúng tôi, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.”
Tin Môi Trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng.