Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khói đốt đồng gây cay mắt và ô nhiễm môi trường
Những gốc rạ sau vụ gặt nằm phơi lại ngoài đồng. Sau vài ngày nắng to, rạ được vun thành từng đống trên mặt ruộng rồi bị đốt cháy. Những cột khói bốc cao nghi ngút, gặp gió sẽ lan rộng ra khắp nơi và tràn vào vùng dân cư sống liền kề khiến những hộ dân sống gần cánh đồng vô cùng bức xúc.
Ông Phạm Quốc Huân, một người dân ở xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương cho biết: “Phía sau nhà chúng tôi là cánh đồng rộng thênh thang, đã hơn nửa tháng nay, cứ đến chiều là gió lại cuốn từng đợt khói đốt rạ vào nhà. Cả ngày được mỗi buổi chiều mở cửa ra cho có gió mát thì lại bị khói cuốn vào nồng nặc.”
Trên những đường làng ngõ xóm, đường liên huyện và ngay cả trên tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn huyện, tình trạng đốt rơm sau khi tuốt lúa xong cũng diễn ra tương tự.
Những đống rơm được chất thành đống, chờ cho khô, dân sẽ châm lửa đốt đi cho gọn. Nhiều cây cối hai bên đường đã bị cháy theo cùng lửa rơm. Ngay cả những hàng cột mốc chỉ dẫn km (cột cây số) trên các quốc lộ cũng chịu chung số phận bị đốt đen thui.
Điều nguy hiểm hơn là những đống rơm trên quốc lộ bốc lên từng cột khói mù mịt ngay giữa giờ cao điểm khiến người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn. Nhiều vụ va quệt người, xe đã xảy ra trên các tuyến quốc lộ do những cột khói dày đặc bốc lên che mất tầm nhìn, nhưng rất may chưa có vụ nào gây chết người.
Việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt không còn là vấn đề của riêng vùng quê huyện Quảng Xương mà là tình trạng chung của hầu hết các vùng trồng lúa ở tỉnh Thanh Hóa. B ên cạnh việc tiêu hủy rơm rạ bằng cách đốt lửa, tình trạng dùng thuốc hóa học để tiêu hủy rơm rạ cũng đang diễn ra tràn lan, khiến đồng ruộng càng thêm ô nhiễm.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hoá cho biết, bình quân mỗi ha có khoảng 9 đến 10 tấn rơm rạ. Mỗi vụ thu hoạch lúa, Thanh Hoá có trên dưới 1 triệu tấn rơm rạ, đó là nguồn nguyên liệu rất lớn có thể đưa vào phục vụ sản xuất nấm ăn rất hiệu quả.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà khoa học, nhà quản lý phải vào cuộc tìm giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn rơm rạ, vừa giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, lại tránh được ô nhiễm môi trường.