Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Thuận khổ vì... titan

(21:54:39 PM 21/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Việc khai thác cát đen ở Bình Thuận mấy năm gần đây từng gây phiền toái cho dân, khi thì vỡ bờ tràn cát lấp thanh long (H.Hàm Thuận Nam); khi thì sạt lở cát lấp đìa tôm gây thiệt hại nặng nề (H.Hàm Tân); khi thì gây nhiễm mặn nước sinh hoạt của dân vì lấy nước biển đãi quặng (H.Bắc Bình)...

Bờ biển Bình Thuận bì tàn phá nham nhở vì hoạt động khai thác titan - Ảnh minh họa

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bất ngờ đi kiểm tra một số mỏ titan (còn gọi là cát đen) ở xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình (nơi nhiều titan nhất Bình Thuận). Qua kiểm tra cho thấy giấy phép của nhiều doanh nghiệp (DN) đã hết hạn nhưng họ vẫn lén lút khai thác, phớt lờ các quy định của pháp luật, như khai thác xong không hoàn thổ, không trả lại hiện trạng như ban đầu, không trồng cây xanh như đã cam kết lúc xin giấy phép.

 

Việc khai thác cát đen ở Bình Thuận mấy năm gần đây  từng gây phiền toái cho dân, khi thì vỡ bờ tràn cát lấp thanh long (H.Hàm Thuận Nam); khi thì sạt lở cát lấp đìa tôm gây thiệt hại nặng nề (H.Hàm Tân); khi thì gây nhiễm mặn nước sinh hoạt của dân vì lấy nước biển đãi quặng (H.Bắc Bình)... Ngoài người dân, chính quyền địa phương còn nhận nhiều đơn thư từ các DN làm du lịch kêu ca về nạn khai thác titan làm “bức tử” các đồi cát đẹp mà thiên nhiên đem lại từ hàng trăm năm qua. Cũng vì vướng titan, hàng trăm dự án du lịch, điện gió ở vùng ven biển Bình Thuận bị “treo".

 

Mới đây, dư luận tại địa phương lại lo ngại khi một DN được cấp phép khai thác titan trên diện tích lên đến hơn 800 ha ở ngay giữa TP.Phan Thiết. Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh này. Điều đáng lo ngại chính là dự án quá lớn, trong khi nguồn nước phục vụ cho khai thác lên đến hàng triệu m3 chưa biết DN lấy từ đâu. Bên cạnh đó, hơn 100 ha rừng ngập mặn khu vực này có nguy cơ bị xóa sổ. Khi đưa vào khai thác thì việc ô nhiễm môi trường, phá nát đường sá, ảnh hưởng đến du lịch và đặc biệt là xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương là điều khó tránh.

 

Bình Thuận được xác định là tỉnh có có trữ lượng titan nhiều nhất Việt Nam. Nhưng theo một cán bộ tỉnh "thì đây không biết là niềm vui hay nỗi buồn”. Vui vì theo luật Khoáng sản - những nơi có khoáng sản phải được ưu tiên thăm dò, khai thác trước khi dùng vào các mục đích khác. Buồn vì hàng trăm dự án du lịch ở Bình Thuận phải “neo" lại để ưu tiên cho titan. Chưa biết lợi ích từ titan đem về cho ngân sách Bình Thuận được bao nhiêu nhưng hệ lụy của việc khai thác đã hiện rõ trước mắt như đã dẫn chứng ở trên.

 

Hiện Bình Thuận đang đề nghị Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết những vùng thăm dò, khai thác khoáng sản titan. Theo ông Lê Tiến Phương, cần xác định vùng nào phải khai thác thì khai thác sớm, để giao đất cho các chủ dự án làm du lịch. Những vùng nào nghèo titan có thể ưu tiên cho các dự án như điện gió triển khai trước.

 

Tuy nhiên, đến nay thì tất cả các kế hoạch nhằm hóa giải những khó khăn của Bình Thuận từ titan vẫn còn nằm ở phía trước. Cho nên, nhiều người nghĩ titan hiện nay là “nỗi khổ” của tỉnh này, hơn là "sự giàu có" mà thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận.

Quế Hà/ Thanh niên