Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lò bánh mì làm khổ dân

(23:46:51 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam đã nhận được đơn kêu cứu của bà Trần Anh (sinh năm 1958) thường trú tại nhà số 28 Phong Phú, phường 12, Quận 8, TP.Hồ Chí Minh cho biết, gần 2 năm qua bà đã liên tục có đơn thư gửi các cấp kêu cứu về Cơ sở bánh mì Tiến Phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của gia đình bà. Thế nhưng rất nhiều đơn thư gửi đi không hề được các cơ quan chức năng quan tâm.

 >>Mời ông chủ tịch đến ở một ngày !

 

 

 co so banh mi gay o nhiem

Cơ sở sản xuất bánh mì số 26 Phong Phú, quận 8, TPHCM gây ô nhiễm, nhưng dân kêu gần 2 năm qua các cơ quan chức năng không xem xét  di dời 

 

 

Kêu không ai thấu !

 

Theo đơn phản ảnh của bà Trần Anh gửi về tòa soạn, VFEJ đã tìm hiểu thì được biết từ tháng 3/2009, Cơ sở bánh mì Tiến Phát (số 26 đường Phong Phú, phường 12,  quận 8, TPHCM ) do vợ chồng ông Lâm Hớn Quang và bà Khưu Minh Tâm làm chủ kinh doanh đi vào hoạt động trên khuôn viên nhà diện tích khoảng 21m2, trong đó sử dụng 2 lò nướng sử dụng nhiên liệu là dầu DO và điện, 2 máy trộn bột, 10 lò ủ bánh, 1 máy phát điện. Thời gian hoạt động của cơ sở từ 1 giờ sáng đến 22 giờ tối.

 

Điều đáng nói là khi cơ sở bánh mì này hoạt động, mùi bánh mì và hơi nóng tỏa nhiệt ra rất cao. Không khí ở khu vực xung quanh lò nướng rất ngột ngạt và độ nóng lên trên 36 độ C. Khi bị người dân phản ảnh, Cơ sở Tiến Phát đã lắp đặt 2 quạt thông gió trên mái nhà nhằm mục đích hút hơi nóng ra phía ngoài, đồng thời lắp thêm 4 ống xả khói, xả thằng nhiệt ra từ lò ra…điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, đặc biệt khiến gia đình bà Trần Anh (nhà sát bên) bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Suốt hơn năm qua, mùi hôi của men bánh mì và mùi khí thải cứ bao phủ hết không khí trong nhà bà Trần Anh, khiến các thành viên trong gia đình bà Trần Anh bị viêm họng và ho thường xuyên. Không chịu được cảnh ô nhiễm, bà Trần Anh phải đưa mẹ già hơn 80 tuổi về Bình Dương tránh …ô nhiễm và bản thân mình phải đi gõ cửa các nơi để kêu cứu.

 

Tháng 3/2009, bà Trần Anh khiếu nại, sau đó cán bộ Phòng TN&MT quận 8 xuống kiểm tra và đo đạc. Ngày 27/9/2009, ông Nguyễn Hồng Lam-Phó trưởng Phòng TN&MT Quận 8 đã gửi cho bà Trần Anh văn bản số 341/TNMT-MT “V/v trả lời khiếu nại cơ sở Tiến Phát hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường” với nội dung (trích nguyên văn):

 

“Ngày 3/4/2009, Phòng TN&MT Quận 8 phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra đối với cơ sở Tiến Phát tại số 26 Phong Phú, Phường 12, Quận 8. Đoàn kiểm tra tiến hành đo đạc các chỉ tiêu về khí thải trong ống khói và tiếng ồn. Ngày 10/4/2009, Phòng TN&MT UBND Quận 8 tiếp tục kiểm tra và đo đạc các chỉ tiêu về tiếng ồn, nhiệt độ vào lúc 14 giờ và 4 giờ sáng hôm sau.

 

Qua kết quả đo đạc, Phòng TN&MT UBND Quận 8  có ý kiến như sau: Tại thời điểm đo đạc, các chỉ tiêu về khí thải như bụi và tiếng ồn khi không mở máy phát điện chưa vượt các tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho phép theo TCVN 5937: 2005 về tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh và TCVN 5949:1998 về tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư, mức ồn tối đa cho phép. Khi hoạt động sản xuất và đồng thời với hoạt động của máy phát điện thì tiếng ồn vượt tiêu chuẩn 1,033 lần. Phòng TN&MT quận 8 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chánh về bảo vệ môi trường đối với cơ sở Tiến Phát vào ngày 20/4/2009, đề xuất UBND quận 8 ra quyết định xử phạt.

 

Riêng trường hợp nhiệt độ và hơi nóng, theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn về bảo vệ môi trường chưa có quy định về nồng độ nhiệt độ trong môi trường không khí để so sánh và đối chiếu, do đó, Phòng TN&MT Quận 8 sẽ có công văn chuyển đến cơ quan quản lý ngành y tế để xem xét”.

 

Và sau đó do không đồng ý với kết luận này, bà Trần Anh có nhiều khiếu nại nhưng với kết luận này Phòng TN&MT quận 8 tư vấn cho các cơ quan chức năng bác bỏ gần như hầu  hết các đơn thư kêu cứu của bà Trần Anh.

 

 ong khoi lo banh mi

Diện tích sản xuất quá nhỏ, thêm khói từ lò bánh mì theo các ông khói tỏa ra gây "ngộp" cho dân sống gần bên

 

Yếu chuyên môn hay bao che sai phạm?

 

Trong đơn kêu cứu gửi VFEJ, bà Trần Anh cũng cho biết : Tôi không đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Hồng Lam tại văn bản số 341/TNMT-MT trên đây. Bởi các lẽ như sau: Căn cứ “Kết quả khảo sát đo đạc môi trường” số 409332/KQ-TT ngày 10/4/2009 của Viện nghiên cứu Công nghệ môi trường & Bảo hộ lao động được thực hiện tại khu vực lò bánh mì (lúc 14h-14h45 ngày 11/4/2009)  cho thấy: Chỉ tiêu về nhiệt độ đo là 35-36 0C, cao hơn 3 đến 4 0C so với Tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp (Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT – ngày 10/10/2002) là : nhỏ hơn hoặc bằng 32 0C- PV ).

 

Ngoài ra, “Kết quả khảo sát đo đạc môi trường” do Phòng TN&MT Quận 8 gửi mẫu cho Phòng thí nghiệm Công nghệ môi trường, Viện Môi trường & Tài Nguyên, ĐHQG TPHCM thực hiện sau thời điểm tháng 4 năm 2009, kết quả trả lời ngày 29/5/2009 thì chỉ tiêu về nhiệt độ cũng cao hơn Tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp qui định nhiều lần .

 

Thế nhưng, không biết vì lý do gì ông Nguyễn Hồng Lam đã nại ra lý do: “Riêng trường hợp nhiệt độ và hơi nóng, theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn về bảo vệ môi trường chưa có quy định về nồng độ nhiệt độ trong môi trường không khí để so sánh và đối chiếu, do đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 8 sẽ có công văn chuyển đến cơ quan quản lý ngành y tế để xem xét”.

 

Bà Trần Anh khẳng định: Gần 2 hai năm nay, gia đình tôi đã liên tục gửi đơn đến Phòng TN& MT quận 8 và các cấp để kêu cứu về trường hợp của mình nhưng ông Lam đều không trả lời và dựa vào cái văn trả lời bản số 341/TNMT-MT ngày 27/4/2009 do chính ông Lam đã ký mà gạt phắt hết các đơn kêu cứu của tôi. Và để tôi phải sống trong cảnh khổ sở này để đi khiếu nại suốt 2 năm qua.

 

Bà Anh bức xúc: “Liệu ông Nguyễn Hồng Lam có động cơ mục đích gì không? Khi ông cố tình nại ra lý do hết sức phi thực tế trên đây để không xem xét kết quả kiểm tra vượt chỉ tiêu về nhiệt độ trong môi trường không khí  tại cơ sở Tiến Phát? Trong khi các qui chuẩn về nhiệt độ, tiếng ồn trong khu vực sản xuất đã được các cơ quan nhà nước qui định rất rõ rang”.

 

Bà Anh cũng cho biết: “ Hiện tại gia đình tôi đang phải chịu sống trong môi trường độc hại cả về hơi nóng, không khí khó thở và tiếng ồn xuất phát từ cơ sở bánh mì Tiến Phát. Do vậy, tôi buộc phải làm đơn khiếu nại gửi ông chủ tịch UBND quận 8 V/v: Ông Nguyễn Hồng Lam-Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường  UBND Quận 8, TP. Hồ Chí Minh có hành vi bao che người vi phạm  Luật Bảo vệ môi trường bằng việc giải quyết khiếu nại không có cơ sở pháp lý .Hồ sơ sự việc đã được lãnh đạo  quận 8 xem xét. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có kết quả nào được giải quyết về sự việc này…

 

 

Theo quan sát thực tế của PV thì khuôn viên cơ sở bánh mì Tiến Phát quá nhỏ, diện tích chỉ khoảng 21m2, trong khi đó nhà dân lại ở liền kề vách chỉ cách nhau bức tường ngăn, căn nhà số 26 phía sau lại là nhà cao tầng nên chắn gió, hơi nóng không bay về phía mặt sau được mà tỏa hết ra trước và hai bên hông nên khiến nhà bà Trần Anh lãnh đủ các ảnh hưởng từ lò bánh mì này.

 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng kinh tế quận 8 cho rằng việc cấp phép cho cơ sở bánh mì Tiến Phát hoạt động là đúng luật, vì đây không phải ngành nghề TP cấm. Tuy nhiên điều đáng nói là trước khi cấp phép cho cơ sở Tiến Phát sản xuất trong khu phố, không một cán bộ có chức năng nào của địa phương đến quan sát địa điểm này có nên cấp giấy phép kinh doanh sản xuất trong khu dân cư hay không?

 

 

Tại Khoản 2, Điều 127 ( Xử ý lý vi phạm) của Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, quy định:Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, công dân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Phương Khanh