Đây là đánh giá của Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) từ những năm trước. Theo đó, quần thể voi châu Á đang chịu sức ép phải rời khỏi nơi cư trú của chúng do nạn phá rừng lấy gỗ hoặc lấy đất canh tác. Bên cạnh đó, sự di cư ồ ạt của con người, cùng những tác động liên quan khác đã dẫn tới tình trạng xung đột giữa người và loài vật có tiếng là thông minh này.
* Môi trường sống của voi bị thu hẹp
Ở Việt Nam, loài voi đang bị đe dọa nghiêm trọng, chắc chắn chúng không thể tồn tại nếu không được bảo tồn hiệu quả. Trong 30 năm trở lại đây, số lượng voi rừng trên quy mô cả nước đã bị suy giảm đáng kể, nhiều vùng có voi sinh sống trước đây nay không thấy xuất hiện hoặc chỉ còn những quần thể nhỏ. Ước tính, Việt Nam hiện còn khoảng 75 -130 con voi.
Voi ngà lệch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. |
Đồng Nai là một trong 3 khu vực của Việt Nam hiện đang có quần thể voi rừng với số lượng đủ lớn để có thể tồn tại và phát triển. Theo số liệu thống kê hiện trạng voi hoang dã (năm 2011) của các ban ngành chức năng, trên toàn bộ khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Đồng Nai có trên 10 cá thể, được phân bố trong phạm vi hơn 30 ngàn hécta thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên; một phần diện tích của Công ty lâm nghiệp La Ngà (Định Quán) và Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn - KBT). Tuy nhiên, cũng như các quần thể voi rừng trên cả nước, voi ở Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, như: vùng sinh sống bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu cây thức ăn và muối khoáng, nhiều loài cây trồng của dân địa phương là nguồn thức ăn được loài voi rất ưa chuộng, từ đó đã dẫn đến tình trạng xung đột giữa người và voi. Thời gian qua trên địa phận quản lý của KBT, voi thường xuất hiện ở các khu vực bìa rừng và chúng liên tục phá hại hoa màu, tài sản của dân cư tại xã Phú Lý và Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Tính đến cuối năm 2011, tổng kinh phí chi trả hỗ trợ thiệt hại do voi rừng gây ra cho người dân là trên 2,8 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại là sự đe dọa về tính mạng của người dân và tình trạng voi bị chết do ăn phải thức ăn nhiễm độc vẫn tiếp diễn. Từ tháng 6-2009 đến tháng 12-2011 đã xảy ra 8 trường hợp voi chết chưa rõ nguyên nhân tại khu vực xã Phú Lý (Vĩnh Cửu), xã Thanh Sơn (Định Quán) và 1 trường hợp được cho là voi bị bắn chết tại rừng phòng hộ Tân Phú, Định Quán.
* Giải pháp bảo vệ voi
Có thể nói, đàn voi rừng ở Đồng Nai là tài sản vô giá của cả nước. Nhưng làm cách nào để bảo vệ và phát triển voi? Đã có ý kiến cho rằng nên di dời đàn voi rừng đi nơi khác. Song, vấn đề này hoàn toàn không thể thực hiện được vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như: không có diện tích rừng đủ lớn và phù hợp cho đàn voi sinh sống, kinh phí di dời một đàn voi là không nhỏ và kết quả thất bại đã thấy ở các lần di chuyển voi như ở rừng phòng hộ Tân Phú (Đồng Nai), rừng Tánh Linh (Bình Thuận) và rừng Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) trước đây. Đối với giải pháp di dân ra khỏi vùng voi sinh sống cũng không phải là biện pháp khả thi vì nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện nhưng không thành công, bởi loài này luôn mở rộng phạm vi hoạt động. Nói cách khác, môi trường sống của voi là khó có thể xác định được giới hạn.
Hàng rào điện ngăn cách voi là một mô hình mới, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng thành công, giải pháp này là hiệu quả nhất nhằm bảo vệ và giúp đàn voi có điều kiện sinh sản, phát triển.Trước tình hình đó, dự án (DA) “Xây dựng hàng rào điện nhằm hạn chế xung đột giữa người và voi trên địa bàn KBT” đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 3 năm, từ 2012 - 2014. Hàng rào điện sử dụng nguồn điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời hoặc mạng lưới điện 220V nhưng chỉ phát ra với cường độ 800-1.000 V/10 mA gây giật, hoảng sợ nhưng không làm chết người và động vật. Dọc hàng rào điện sẽ gắn khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được. Theo kế hoạch, DA hàng rào điện bảo vệ voi dài hơn 30km (gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động) được xây dựng tại những khu vực thuộc xã Phú Lý và xã Mã Đà - vùng hoạt động của voi và là nơi có nhiều xung đột giữa người và voi trong thời gian qua. Dự kiến trong tháng 2 này, KBT sẽ tiến hành họp dân và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cho việc triển khai DA. Mục tiêu cụ thể của DA là ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột giữa người và voi trên địa bàn KBT; hạn chế thiệt hại về người và tài sản của dân địa phương trong vùng voi thường xuất hiện; bảo vệ, cải tạo sinh cảnh, diện tích sinh sống của quần thể voi, giúp chúng tăng lượng đàn và phát triển lâu dài; nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài đặc biệt quý, hiếm.