Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hai ngôi mộ nghìn tuổi ở Ciputra

(23:16:26 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Hai ngôi mộ có niên đại từ thời Lục Triều (thế kỷ 4 đến 6) cùng một giếng cổ vừa được phát lộ ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) khi thi công đặt ống cống và làm đường.

Chiều 18/4, tại khu vực đang thi công đường giao thông nội bộ và đặt ống cống của khu đô thị Ciputra (nằm sát đường dẫn của xe môtô lên cầu Thăng Long), 3 cán bộ của Viện Khảo cổ học đang tất bật khai quật và vẽ họa đồ chiếc giếng cổ và 2 ngôi mộ cổ vừa phát hiện. Liên tục đi lại giữa hai địa điểm khai quật mộ và giếng, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường thỉnh thoảng lại đưa máy ảnh chụp những chi tiết vừa phát lộ.

 

Cách đó không xa, máy xúc của đơn vị thi công vẫn đào hào, đặt những đoạn ống cống lớn xuống lòng đất.

 


Theo tiến sĩ Cường, tối 1/4, máy xúc của đơn vị thi công đã xúc trúng vào cửa một ngôi mộ cổ có kết cấu bằng gạch nung. Sau khi báo cáo chủ đầu tư và Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, chiều 2/4, khu vực phát lộ mộ cổ được tạm ngừng thi công để khai quật khẩn cấp.

 

Cuộc khai quật được Hội Khảo cổ học và các cán bộ thuộc Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học tiến hành. Cùng với sự giúp sức của máy xúc, ngay sau đó, thêm một ngôi mộ nhỏ nằm gần như song song được phát hiện. Mái của hai ngôi mộ nằm sâu chừng 2 mét dưới mặt đất. Theo đo đạc, mộ lớn có chiều dài 4,7 mét, rộng và cao khoảng 2 mét. Mộ bé dài 3,9 mét, rộng 1,2 mét; cao gần một mét. Chân ngôi mộ lớn nằm sâu hơn mộ bé chừng một mét.

 


Hai ngôi mộ một lớn một nhỏ nằm song song với nhau. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết, cả 2 ngôi mộ được xếp bằng các viên gạch nung chồng lên nhau theo kiểu cuốn vòm với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Điểm khác biệt của hai ngôi mộ cổ này là hàng gạch khóa vòm mộ chạy suốt dọc nóc mộ. Gạch ở mặt trong của vách và trần mộ được trang trí hoa văn. Mộ lớn là hoa văn "đồng tiền", "trám lồng", còn mộ nhỏ là hoa văn "xương cá".

 

Chỉ vào một viên gạch có ký tự cổ trong ngôi mộ lớn, vị tiến sĩ cho biết, trong mộ này phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán song chưa rõ là chữ gì. Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ. Các hiện vật chủ yếu là đồ gốm; 9 chiếc đinh sắt đã bị gỉ (được cho là đinh đóng quan tài); một số hạt thóc, gạo cháy... Cả 2 ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết.

 

"Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc, nhưng chủ nhân của chúng không loại trừ có thể là người Việt"", ông Cường nói.

 

Vị tiến sĩ cho biết, quý nhất trong lần khai quật này là bình đầu gà bằng gồm rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc vì có thể ngay sau khi xuất lộ, một số hiện vật khác cùng bài vị trong ngôi mộ đã bị mất vì thế không xác định được danh tính người được chôn trong mộ.

 


Cán bộ Viện khảo cổ khai quật tại giếng cổ chiều 18/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.

 

Cách 2 ngôi mộ cổ không xa, chiều 14/4, đơn vị thi công đường giao thông nội bộ khu đô thị Ciputra tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ giống như các giếng được phát hiện trong Hoàng thành Thăng Long. Máy xúc đã làm bạt hơn một mét phía trên song tuy nhiên thân giếng phía dưới vẫn còn khá nguyên vẹn.

 

Đến chiều 18/4, đào sâu thêm hơn 2 mét, cán bộ Viện khảo cổ vẫn chưa khám phá hết thân giếng. Theo tiến sĩ Cường, nhiều khả năng giếng có cùng niên đại với hai ngôi mộ. "Tôi cho rằng, bên dưới khu vực mộ và giếng cổ còn những quần thể di tích, rất có thể là cả một ngôi làng ven sông Hồng", ông Cường nói.

 

Theo ông, ở nước ngoài, khi gặp được những công trình quý báu này, người ta thường giữ nguyên hiện trường, bảo tồn tại chỗ, quây hàng rào để người dân có thể chiêm ngưỡng. Đối với chiếc giếng, hiện, Bảo tàng Hà Nội đã có kế hoạch di dời về khuôn viên Bảo tàng.

 

"Song, nhiều khả năng sau khi kết thúc thời gian khai quật với 2 ngôi mộ (vào 20/4), đơn vị thi công sẽ tiếp tục san phẳng và đặt ống cống", tiến sĩ Nguyễn Lân Cường nói.

Theo Nguyễn Hưng/VnExpress