Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Định: Đua nhau phá vườn, đào ao nuôi tôm

(16:21:57 PM 12/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Sau khi thắng lớn vài vụ tôm gần đây, hàng trăm hộ dân tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ - Bình Định) phá vườn, phá lúa đào ao nuôi tôm.

 

Hồ tôm ông Giai bị mất trắng Ảnh: V.H
Hồ tôm ông Giai bị mất trắng. Ảnh: V.H.

 

Vĩnh Lợi là một trong những thôn mọc lên nhiều hồ nuôi tôm tự phát tại vườn các nhà dân, ruộng lúa và cánh đồng. Cánh đồng thiếu cây lúa, người người đổ dồn cho việc đúc giếng bơm nước, chạy máy sục nuôi tôm thương vụ.

 

Tại các thôn Hưng Lạc, Hưng Tân cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hàng trăm hộ dân từ nơi khác đến tìm mua đất vườn rồi tự ý đào ao nuôi tôm, không qua thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.

 

Anh Trần Ngọc (36 tuổi), nói: “Tui người thôn Hưng Tân nhưng sang thôn Hưng Lạc mua gần 1.000 m2 đất vườn để đào ao nuôi tôm từ năm 2010. Ngoài chi phí ra, mỗi năm thu lợi khoảng 30-50 triệu đồng, hầu như cả làng, ai còn lao động đều tìm đất đào ao nuôi tôm”.

 

Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, bà con nhân dân trong xã học cách nuôi tôm trên cát từ các xã lân cận nhưng do trên địa bàn Mỹ Thành không có quy hoạch đất cho việc nuôi tôm nên các hộ dân tự ý chuyển đổi vườn, đất nông nghiệp thành hồ nuôi tôm.

 

Toàn xã có trên 50ha diện tích nuôi tôm trái phép qua kết quả kiểm tra sơ bộ vừa qua”. Theo ông Hải, toàn bộ diện tích đất được đưa vào nuôi tôm trái phép đều nằm ở những vùng không thuận lợi cho nuôi tôm, không có đường thoát cho nước thải.

 

Theo ông Hải, địa phương đã từng thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, lập biên bản, xử phạt những trường hợp cố tình đào ao nuôi tôm trái phép. Tuy nhiên, khi cán bộ ra về, họ lại tái phạm. Vào nửa đêm, chỉ vài tiếng là họ thuê người đào xong cái ao.

 

Tại vườn nhà dân thuộc thôn Hưng Tân (Mỹ Thành) nằm xa đầm nước mặn, vùng cao triều nên thay vì bắc đường ống dẫn nước, các hộ dân lùng sục đúc, đào giếng bên cạnh hồ để hút nước lên hồ tôm. Nước thải từ hồ nuôi tôm đổ xuống các mương thủy lợi, xả theo đường ống dẫn nước mặn của các hộ nuôi tôm hợp pháp.

 

Có những hộ dân vừa thả tôm được vài tháng dính phải nguồn nước thải từ các hồ tôm vừa thu hoạch thải ra, gây ô nhiễm khiến tôm chết trắng.

 

Chủ tịch UBND xã Ngô Hải thừa nhận, các hộ dân đang tự ý nuôi tôm theo kiểu ăn xổi, lợi bất cập hại. Ông Huỳnh Ngọc Giai, ngụ thôn Hưng Tân nói: “Thấy nuôi tôm lãi lớn nên gia đình tôi cũng ham, vay vốn đào ao thả tôm nhưng lại nằm trên vùng cao triều nên cũng bấp bênh lắm. Phụ thuộc ông trời, cho thì ăn…”.

 

Tương tự, ông Võ Bá Sỹ phá 170m2 đất vườn đào ao thả tôm. Tôm thả xuống được khoảng 20 ngày tôm bỗng dưng chết trắng ao.

 

Ông Ngô Đình Ba, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho hay, trong tháng 2 này, bằng mọi cách đoàn kiểm tra sẽ trực tiếp xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm không theo quy hoạch.

Việt Hương/ TPO