Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bác sĩ Phan Xuân Trung
-PV: Xin bác sĩ cho ý kiến về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay?
-BS Phan Xuân Trung : Người xưa có câu “bệnh tòng khẩu nhập”, tức bệnh tật do ăn uống mà ra.
Mối lo ngại về an toàn thực phẩm đang ngày càng lan tràn. Bà nội trợ lo lắng không biết mớ rau cải mình mua có bị tẩm hóa chất. Người lao động ăn cơm dĩa lo lắng dầu mỡ trong dĩa cơm của mình sạch hay dơ. Thỉnh thoảng báo chí lại đăng về một vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Những câu chuyện về bệnh ung thư do ăn trúng hóa chất độc hại ngày càng nhiều. Buổi sáng, người ta không dám nhâm nhi ly cà phê đá đầy bọt như trước đây.
Không phải ngẫu nhiên mà những lo lắng đó xảy ra. Đã có những sự thật được báo chí phanh phui, những bằng chứng đã được nêu ra rõ ràng về cách pha chế thực phẩm mất an toàn vệ sinh như hành phi chiên bằng dầu thải, thịt heo siêu nạc do dùng thuốc chống hen suyễn... Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện thổi phồng gây hoang mang dư luận.
Ngay cả khi thực phẩm không hề nhiễm độc thì việc ăn uống quá độ như nhậu nhẹt, rượu bia, ăn nhiều thịt cá... cũng gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe.
-Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng trở nên trầm trọng?
Nhu cầu ăn uống là nhu cầu căn bản nhất. Kinh doanh ăn uống là là kinh doanh ổn định và nhiều lợi nhuận. Người tiêu dùng thì luôn luôn muốn “ngon - bổ - rẻ”, còn người kinh doanh thì muốn “một vốn – bốn lời”. Người kinh doanh cố gắng “sáng tạo” ra những phương cách làm hài lòng khách hàng và mang lại nhiều lợi tức nhất mà không hiểu hoặc không muốn hiểu rằng những sáng tạo đó vô tình hay cố ý có thể gây hại cho “thượng đế” của mình.
Vì người tiêu dùng có nhu cầu được ăn dòn dòn, dai dai nên người chế biến cho thêm hàn the (borax) vào bột làm bánh. Vì người tiêu dùng muốn uống ly cà phê có nhiều bọt và sánh nên người bán cho vào đó các loại hóa chất tạo bọt, tạo sệt, tạo mùi. Vì người tiêu dùng muốn trái cây được tươi ngon lâu dài nên người kinh doanh ướp tẩm các loại hóa chất...
Có những “sáng kiến khoa học kỹ thuật” trong nông nghiệp tạo nên sản phẩm tăng trưởng nhanh nhưng lại gây hại cho người tiêu thụ như phun xịt các loại thuốc kích thích tăng trưởng lên cây trồng hoặc cho các vật nuôi ăn các chất kích thích tăng trọng, thịt siêu nạc... Những hóa chất kích thích đó tồn lưu trong thực phẩm sẽ gây hại cho người dùng.
Có nhiều hình thức nhiễm độc qua thực phẩm.
Phổ biến nhất là ngộ độc do vi sinh. Thức ăn bị lây nhiễm vi trùng do bảo quản kém. Những quán hàng rong, lề đường hứng chịu nhiều bụi bặm. Ruồi nhặng mang vi khuẩn, ký sinh trùng trong phân chó mèo vào thức ăn. Nhiều hàng quán chế biến thức ăn cạnh nhà vệ sinh... Những chế phẩm ôi thiu trong quá trình vận chuyển như da heo, mỡ heo được chuyên chở trên các phương tiện vận chuyển không chuyên dụng. Có những thực phẩm tự phát sinh độc tố do không bảo quản tốt như khoai tây mọc mầm, nấm mốc trong đậu phộng, đồ hộp nhiễm khuẩn kỵ khí...
Nhà sản xuất vì lợi nhuận đã cho vào thực phẩm những “phụ gia” hóa chất độc hại như chất tạo bọt, tạo mùi trong cà phê; hàn the trong các loại bánh, bột; chất phẩm màu công nghiệp cho vào đồ ăn để tạo màu sắc hấp dẫn... Những hóa chất được ướp tẩm nhằm bảo quản thức ăn và hóa chất kích thích tăng trưởng...
Và ngay cả những “kiến thức mang tầm thời đại” như dùng dầu ăn hay mỡ đôi khi cũng là điều ngộ nhận chết người. Người ta tin rằng ăn dầu tốt hơn ăn mỡ, thế nhưng ít ai biết rằng chiên xào bằng dầu sẽ phát sinh nhiều độc tố gây hại cho cơ thể hơn là chiên xào bằng mỡ. Lý do là dầu ăn chịu nhiệt kém hơn mỡ nên dễ bị cháy két, sinh độc tố.
Bên cạnh đó, việc quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng cũng là một điều đáng quan tâm. Những nhà quản lý hầu như không có kiến thức bao quát và thực tế về an toàn thực phẩm. Các hoạt động của những cơ quan này không phát huy được tác dụng tích cực, chỉ xoay quanh những buổi kiểm tra sơ sài.
-Với quan điểm của một bác sĩ, xin ông cho biết những hậu quả có thể xảy ra nếu sử dụng các loại thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm không an toàn?
Mỗi nguyên nhân sẽ gây ra những hậu quả khác nhau.
Nguyên nhân vi sinh gây các bệnh đường ruột như E. coli, Samonella, Shigella, Vibrio cholerea... sẽ gây nhiễm trùng ruột, tiêu chảy, bệnh tả, bệnh lỵ, bệnh thương hàn... Nguyên nhân vi khuẩn thường gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt cho các bếp ăn tập thể. Nguyên nhân độc chất sinh học như nấm mốc trong đậu phộng sẽ gây ung thư gan. Nguyên nhân hóa chất kích thích tăng trọng cho vật nuôi như Clenbuterol, Salbutamol, Corticoid sẽ gây rối loạn nội tiết tố, thậm chí có khả năng biến đổi giới tính... Các hóa chất như hàn the, bột ngọt sẽ gây ngộ độc âm thầm hại gan, não.
Đối với những người ăn uống nhậu nhẹt quá độ thì có rất nhiều hậu quả xảy ra: béo phì, tăng mỡ máu, bệnh gout, bệnh thận, viêm gan mạn tính... Uống nhiều rượu bia ngoài việc gây tai nạn giao thông còn làm suy giảm trí tuệ, tổn thương hệ thần kinh.
-Theo bác sĩ, để giảm thiểu và đẩy lùi những nguy cơ do thực phẩm mất an toàn gây ra, người dân và chính quyền cần có những biện pháp nào?
Muốn giải quyết một vấn đề thì cần phải tìm cho hết những nguyên nhân của vấn đề đó. Nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm có mặt ở khắp nơi, như một ma hồn trận. Nhìn đâu cũng có thể thấy sự hiện diện của mất vệ sinh ăn uống.
Về mặt nhà cung cấp thực phẩm, xem xét một chuỗi cung ứng thực phẩm ta sẽ thấy nhiều khâu cần quan tâm:
- Khâu nuôi trồng, cần tránh dùng các hóa chất phun xịt gây ngộ độc cho người. Trong chăn nuôi không được dùng các thuốc, hóa chất kích thích tăng trọng mà lượng hóa chất tồn dư có thể đi vào cơ thể con người, gây hại.
- Khâu bảo quản, chế biến: cần tuân thủ vệ sinh trong bảo quản, chế biến. Tiêu hủy các sản phẩm biến chất do thời gian, nhiệt độ, môi trường. Nhiều loại thực phẩm tươi sống được vận chuyển qua một chặn đường dài cần phải có xe đông lạnh chuyên dụng để chuyên chở.
- Nhà hàng, quán ăn cần bảo đảm vệ sinh trong khi chế biến. Không chế biến thực phẩm gần nhà vệ sinh.
Đối với người tiêu dùng: cần phải có kiến thức về an toàn thực phẩm để bảo vệ cho mình và gia đình mình. Những bà nội trợ cần chọn mua thực phẩm ở những nơi đáng tin cậy, có thương hiệu uy tín. Nếu có điều kiện thì nên tạo nguồn thực phẩm cây nhà lá vườn. Nên nhớ, không có loại thức ăn nào gọi là “ngon, bổ rẻ”. Những thức ăn rẻ tiền thường được chế biến từ nguyên liệu kém phẩm chất.
Đối với cơ quan quản lý: Cần tuyên truyền về các hình thức thực phẩm mất an toàn. Nâng cao dân trí trong việc sử dụng thực phẩm. Phạt nặng các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.
-Tin Môi Trường đang thực hiện dự án “ Không chất độc hại trong thực phẩm” nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng tẩy chay với các chất độc hại trong thực phẩm, theo ông cần phải làm thêm những gì?
Một vấn đề lớn như an toàn vệ sinh thực phẩm cần được giải quyết bằng cách phổ biến kiến thức sâu rộng trong xã hội. Khi được cung cấp kiến thức đúng và đủ thì người dân sẽ tự bảo vệ mình.
Cần tăng cường giáo dục ý thức vệ sinh ăn uống từ các trường học từ tiểu học đến đại học. Việc giáo dục này để tạo ý thức không gây hại cho người khác vì lợi nhuận kinh doanh của mình đồng thời tạo ý thức cảnh giác với thực phẩm độc hại, phòng tránh các loại thực phẩm đáng ngờ.
Cần vận động dán các poster truyên truyền VSATTP tại các quán ăn, chợ, siêu thị... để giúp mọi người tăng cường ý thức trong vệ sinh thực phẩm.
-Xin BS chia sẻ ý kiến thêm của ông về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay?
Vấn đề này là vấn đề rộng lớn, không thể bàn hết trong phạm vi một bài phỏng vấn. Chỉ mong người kinh doanh đừng vì lợi mình mà hại người. Mong người tiêu dùng khôn ngoan hơn để tự bảo vệ mình. Mong cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm làm đúng chức năng, chức trách của mình để bảo vệ người dân.