Hình ảnh những bức tường bằng bao cát thô sơ (nguồn:internet). |
Xây nhà sinh thái: xu hướng mới
Trong khoảng một vài thập niên gần đây, công nghệ xây nhà với những tên gọi khác nhau, hoa mỹ là xây nhà “sinh thái” hay mộc mạc là xây nhà “bao cát”, đã có mặt ở nhiều vùng địa lý khác nhau, đặc biệt ở những vùng nhiều nắng gió, nhiều đất cát.
Xu hướng này bắt đầu từ các quốc gia châu Phi, với Nam Phi (thành phố Cape Town), Namibia, Mozambique, Madagascar và Zimbabwe nay đã lan đến các châu lục khác nhau trên thế giới, như Mexico, Ukraine, Chile, Uruguay, Ấn Độ, Campuchia, lấn ra cả những hải đảo như Seychelles, Guyana thuộc Pháp và trèo lên vùng núi non như Himalayas…
Địa điểm đang tới có thể là Việt Nam. Cuối năm 2011 vừa qua, một số cơ quan có trách nhiệm ở nước ta cũng bắt đầu tìm hiểu công nghệ này qua sự tiếp cận và giới thiệu của Tổ chức người Việt “Vietnam House” có trụ sở ở thành phố Gross Gerau, thuộc CH Liên bang Đức.
Công nghệ nhà “bao cát”: ưu điểm?
Gọi là nhà bao cát, vì vật liệu chủ yếu để làm nhà chính là cát, thứ cát trắng hay cát vàng khai thác ngay tại chỗ, mênh mông và vô tận ở những vùng dân cư ven biển, trên các hải đảo hay giữa sa mạc.
Một ngôi nhà xây theo “công nghệ bao cát” thân thiện môi trường (nguồn:internet). |
Với những chiếc khung sắt cấu trúc khác nhau có thể gia công và lắp ráp tại hiện trường, các bao cát quy chuẩn chồng lên nhau tạo nên những bức tường ngoài, tường trong, vách ngăn phòng, cầu thang và, nếu cần, thậm chí cả mái che ….
Các mặt tường bên trong và bên ngoài có thể phủ thạch cao, hay một hợp chất kết dính khác, có thể trang trí bằng những tấm gỗ ván ghép làm cho ngôi nhà trở nên khang trang chẳng khác gì những ngôi nhà xây dựng bằng công nghệ kinh điển
Công nghệ nhà bao cát, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, càng ngày càng thể hiện những ưu thế nổi trội.
Về mặt sinh thái môi trường, công nghệ “bao cát” đòi hỏi năng lượng rất ít so với công nghệ xây dựng nhà dùng gạch và xi măng và, do đó, lượng khí độc hại nhà kính CO2 cũng giảm gần như hoàn toàn, có thể đến 95%.
Ngoài ra, sự dồi dào nắng gió, sóng biển … của những vùng nhiều cát trắng là điều kiện lý tưởng để lắp đặt những thiết bị phát điện tận dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và có thể cả thuỷ triều để thắp sáng, bơm nước, làm mát và sưởi ấm, biến những ngôi nhà “bao cát” hay con đường và làng xóm “sinh thái” thành những vùng dân cư sống văn minh và thân thiện với môi trường.
Hình ảnh một ngôi nhà sinh thái giản dị, giá rẻ (Nguồn: Vietnam House cung cấp) |
Về mặt kinh tế, giá thành xây dựng khá rẻ. Vật liệu cát có thể “xúc” lên tại chỗ hoặc phí vận chuyển giảm thiểu do khoảng cách rất ngắn, phí nhân công cũng rất thấp do phần lớn không phải qua đào tạo tốn kém … Tuỳ địa phương, xây dựng nhà bao cát có thể rẻ từ 5 đến 40% so với xây nhà bình thường khác. Chưa kể, tốc độ xây dựng rất nhanh, mà thời gian cũng là tiền bạc!
Riêng bản thân vật liệu xây nhà “bao cát” cũng có những tính năng vật lý đặc biệt quý khác. Đó là, tính cách nhiệt, cách điện và cách âm tuyệt vời. Bên cạnh đó là khả năng ngăn chặn nước lũ và che chắn gió bão của loại vật liệu “bao cát” này.
Ý nghĩa nhân văn của một công nghệ
Công nghệ xây nhà “bao cát” mới manh nha vài chục năm gần đây, nay đã lan ra nhiều nước, nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Ngoài những tính năng ưu việt về kỹ thuật, về kinh tế và bảo vệ môi trường, công nghệ nhà “bao cát” thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong một thế giới còn nhiều bất công với hơn 1 tỷ người nghèo với thu nhập ít hơn 1 đôla mỗi ngày, đang sống vô gia cư hay nhà cửa rách nát.
Theo Trung tâm định cư con người của Liên hợp quốc (UNCHS), trong khoảng mười năm nay, từ 2000 đến 2010, mỗi năm các nước đang phát triển đòi hỏi xây thêm khoảng 21 triệu căn nhà mới. Trong 20 năm tiếp theo con số này là 14 triệu căn nhà mỗi năm.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn nạn thiếu nhà cho người nghèo ở những khu vực nghèo trên thế giới là giảm chi phí và tăng tốc độ xây nhà. Rõ ràng, công nghệ xây nhà “bao cát” là một lời giải khả thi và tối ưu của bài toán mang tính nhân văn lớn đặt ra cho nhiều nước trong thập niên vừa qua.
Giải pháp nói trên hẳn cũng thích hợp với điều kiện của Việt Nam, một đất nước có bờ biển dài trên 3.000 cây số, với không ít xóm làng ven biển sống trên kho vật liệu cát bất tận nhưng nhà cửa nhiều nơi vẫn còn tuềnh toàng, sống ngập trong nắng và gió mà thiếu ánh sáng điện, thiếu nước uống… Ở đây, công nghệ nhà “thân thiện môi trường” hay nhà “bao cát” hẳn có ý nghĩa lớn trong chính sách của nhà nước đầu tư nâng cao mức sống nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo xa.
Và còn hàng trăm ngàn hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác ven bờ và giữa biển khơi. Công nghệ xây dựng nhà “sinh thái” hẳn cũng có vai trò nhất định trong sự nghiệp giữ gìn biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền các hải đảo và lãnh hải của tổ quốc Việt Nam.
Quy hoach một đường phố sinh thái (Nguồn: AJJA Trading/ Enterprises Namibia. (Pty) LTD. |