Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An làm chủ dự án, được triển khai từ năm 2009. Cán bộ kiểm lâm đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân dốc lòng ủng hộ trồng rừng trên đất sản xuất nương rẫy. Dự án nhằm trồng thêm rừng xanh vừa mở ra hướng xoá nghèo cho dân. Mỗi ha rừng trồng mới được cấp không quá 700 kg gạo/năm và mỗi khẩu được cấp bình quân 10 kg gạo/tháng (trong vòng 6 năm).
Trong những ngày đầu, cứ hai tháng một lần cán bộ kiểm lâm phát gạo đều cho dân, nên người dân phấn khởi trồng mới được hơn 1.100 ha rừng. Nhưng từ năm 2010 đén hết năm 2011 thì không thấy phân phát gạo, dân bắt đầu chờ gạo nhưng càng chờ càng... mất hút.
Chỉ riêng xã Châu Khê, huyện Con Cuông có hơn 300 hộ dân đã trồng mới được 200 ha rừng nhưng 70% trong số dân đó lại đang thiếu đói vì diện tích nương rẫy phần lớn đã trồng rừng thay thế.
Cán bộ UBND xã Châu Khê (huyện Con Cuông) cho biết: Ban đầu đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn rất phấn khởi, hưởng ứng tham gia trồng rừng trên đất nương rẫy. Đến nay, khoảng 300 hộ dân ở bản Khe Bu, Khe Nà, Châu Sơn (xã Châu Khê) đã trồng mới được 200 ha rừng, nhưng 70% trong số dân đó lại đang thiếu đói. Xã đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần, nhưng chưa thấy họ đưa gạo về trả cho dân.
Nhiều cán bộ xã và công ty lâm nghiệp cho rằng, nếu dự án trồng rừng thay thế nương rẫy kịp thời cấp gạo thì bà con không phải lo mưu sinh, dễ vận động bà con trồng rừng. Nếu để đồng bào dân tộc thiểu số đợi gạo lâu trong tình trạng thiếu đói thì long tin họ sẽ giảm và khó phát triển thêm diện tích rừng.
Cán bộ dự án của Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An thì cho biết, theo kế hoạch là đầu năm 2012, cán bộ sẽ đi nghiệm thu rừng nhưng chưa dám đi vì sợ dân đòi nợ gạo. Trong đó, Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An đang nợ gạo của bà con huyện Con Cuông là 337 tấn gạo, huyện Quế Phong 64,8 tấn, Quỳ Châu 145,6 tấn, Quỳ Hợp 62,7 tấn, Kỳ Sơn 7 tấn, Tương Dương hơn 104 tấn.
Không chỉ nợ gạo, năm 2012 này việc xây dựng vườn ươm cây giống (cây bản địa) cho các điểm dự án trồng rừng phòng hộ chưa thực hiện được vì chưa được cấp tiền.
Trong khi đó trả lời với báo chí, lãnh đạo Sở NT&PTNT, Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho rằng, việc nợ gạo dân là do không có tiền. Và Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm Nghệ An cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần, nhưng hiện vẫn chưa được cấp nguồn.
Như vậy, đến thời điểm này hàng trăm hộ dân vẫn chưa nhận được gạo hỗ trợ từ dự án trên và liễu không biết còn chờ đến bao giờ?