Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sử dụng túi nilông - Thói quen không dễ thay đổi

(08:13:33 AM 06/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Luật thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông được xem như một trong những giải pháp hạn chế sử dụng sản phẩm khó phân hủy, gây tác hại cho môi trường này.

Tuy nhiên sau hơn một tháng luật này có hiệu lực (từ ngày 1/1/2012), việc hạn chế và sử dụng tiết kiệm túi nilông vẫn chưa chuyển biến.

Tại các chợ, vẫn là túi nilông khó tiêu hủy được sử dụng - Ảnh: Quang Khải

 

Trong khi đó các doanh nghiệp muốn chuyển đổi công nghệ, vật liệu để sản xuất túi nilông thân thiện môi trường lại lúng túng vì chưa có quy định rõ ràng.

Từ chợ đến siêu thị

Những doanh nghiệp sản xuất túi nilông trước đây không bị áp thuế bảo vệ môi trường thì kể từ ngày 1/1/2012 họ phải đóng mức 30.000-50.000 đồng/kg. Mức thuế này đã làm giá thành túi nilông trên thị trường có thời điểm tăng 40.000-45.000 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, tiểu thương quầy đồ khô chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM): “Đầu tháng 1/2012, giá túi nilông tăng gấp đôi nên khi khách hàng mua nhiều sản phẩm, tôi dồn vào một túi nilông đưa cho khách. Gặp người khó tính, đòi phải bỏ riêng thì tôi phải tính thêm 1.000 đồng”. Nhiều tiểu thương tại các chợ Xóm Mới, Thạch Đà cũng áp dụng “chiêu” giống như bà Lý.

Tuy nhiên sau một thời gian giá túi nilông đã hạ nhiệt, chỉ còn tăng 10.000-20.000 đồng/kg thì việc sử dụng tràn lan túi nilông trở lại như cũ. Theo một chủ sạp bán túi nilông tại chợ Xóm Mới, nguyên nhân quan trọng hơn khiến túi nilông trở thành sản phẩm không thể thiếu là do tính tiện lợi của nó. “Nếu như trước đây mua vài trái ớt, bịch me còn có thể xé tờ giấy, báo gói, nhưng giờ làm vậy rất mất thời gian nên mọi người chuyển sang xài túi nilông vừa tiện lợi vừa vệ sinh”, bà chủ sạp túi nilông nói.

Tiếp xúc với chúng tôi, những người đi mua hàng hóa tại các chợ đều cho biết việc sử dụng túi nilông dần trở thành thói quen khó bỏ nên dù tăng giá đôi chút họ cũng chấp nhận. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, một người mua hàng ở chợ Thạch Đà, thừa nhận: “Dù biết túi nilông có thể gây ô nhiễm môi trường, nhưng tới chợ chọn mua bó rau hay con cá người bán hàng đều dùng túi nilông đựng. Bản thân tôi cũng thấy như thế rất tiện lợi, mỗi loại thực phẩm đều được đựng túi riêng, hạn chế được mùi và dễ dàng treo, móc trên xe máy...”.

Quan sát tại một số chợ như Hòa Hưng, Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), Trần Hữu Trang (Q.Phú Nhuận) cho thấy nhiều bà nội trợ vẫn có thói quen dùng bao nilông của người bán để đựng hàng, rồi khi bao đầy hoặc có nhiều túi hàng nhỏ lỉnh kỉnh lại xin thêm bao lớn hơn để gom lại. Những người bán hàng đều chiều khách và không phàn nàn gì về việc xin thêm bao nilông.

Trong khi đó, tại các siêu thị đều bày bán túi đựng hàng hóa thân thiện với môi trường (giá 5.500-7.500 đồng/chiếc) nhưng túi nilông vẫn được sử dụng chính để đựng sản phẩm. Bà Đỗ Thị Thúy Hằng, phó giám đốc quản lý môi trường của Co.op Mart, cho biết: “Từ ngày 1/1/2012, chúng tôi đã bắt đầu đóng thuế bảo vệ môi trường khi mua túi nilông. Loại túi mà siêu thị đang sử dụng là của một công ty đã chứng minh có tốc độ phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường hơn so với các loại túi nilông truyền thống. Giá thành loại này cao hơn bình thường 10%. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chấp nhận phát không vì việc phục vụ khách hàng vẫn là tiêu chí quan trọng. Mặt khác, thực chất chúng tôi vẫn hi vọng loại túi mà mình đang sử dụng sẽ sớm đạt tiêu chí thân thiện môi trường của Bộ Tài nguyên - môi trường. Đến lúc đó công ty sẽ lại được hoàn thuế”.

Cần có sản phẩm thay thế túi nilông

Những tác hại từ túi nilông hầu như ai cũng biết, chủ trương hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm không thân thiện môi trường này là việc cần thiết. Luật thuế bảo vệ môi trường cũng nói rõ những đơn vị nào sản xuất túi nilông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường (do Bộ tài nguyên - môi trường ban hành) sẽ không phải đóng thuế. Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng nắm bắt được chủ trương này và có ý định chuyển đổi công nghệ, vật liệu để sản xuất túi nilông thân thiện môi trường. Tuy nhiên hiện do các cơ quan thẩm quyền chưa ban hành tiêu chí cụ thể nên nhiều doanh nghiệp còn lúng túng.

Theo bà Trần Thị Cam - phó ban quản lý chợ Xóm Mới, Q.Gò Vấp, việc sản xuất được túi nilông thân thiện môi trường là một trong những giải pháp căn cơ loại bỏ dần túi nilông như hiện nay. Tuy nhiên sản phẩm thay thế ngoài đảm bảo về vấn đề môi trường còn phải tiện lợi như túi nilông hiện nay thì người tiêu dùng mới chọn lựa. Nhiều người tiêu dùng khi tiếp xúc với chúng tôi cũng cho biết sẵn sàng chuyển qua sử dụng một loại túi đựng hàng hóa khác nếu đáp ứng được các điều kiện như trên.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho biết ngày 30-1-2012 đã gửi văn bản kiến nghị UBND TP ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về túi nilông thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó sở cũng có công văn gửi cho Bộ Tài nguyên - môi trường sớm ban hành các tiêu chí về túi nilông thân thiện môi trường để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất nhưng đến nay chưa có câu trả lời.

 

Đâu cũng vào đấy

Bà Trần Thị Cam cho biết trước và sau khi áp dụng Luật thuế bảo vệ môi trường với túi nilông, ban quản lý chợ phát loa tuyên truyền vận động tiểu thương, người mua hàng hạn chế sử dụng túi nilông. Bản thân bà Cam làm gương khi đi chợ chỉ sử dụng một túi nilông để đựng nhiều sản phẩm và tái sử dụng túi nilông cho những lần sau hoặc dùng vào việc khác. Tuy nhiên bà Cam thừa nhận việc tuyên truyền “chỉ có tác dụng được thời gian đầu rồi đâu lại vào đấy”. Ngoài ra, các tiểu thương còn có cách lấy chi phí khác bù vào khoản tăng giá từ túi nilông như tăng giá các mặt hàng. Vì vậy, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông thực tế người tiêu dùng lãnh đủ nhưng không phải ai cũng nhận ra điều này.

Chưa có tiêu chí “thân thiện môi trường”

Theo Công ty cổ phần bao bì Vafaco, những đơn vị sản xuất túi nilông thân thiện môi trường sẽ được miễn thuế. Vì vậy, Vafaco đã liên hệ các cơ quan chức năng để chuyển sang sản xuất loại túi nilông này, và đây là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp sản xuất bao bì phải hướng tới. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể túi nilông như thế nào là thân thiện môi trường nên Vafaco vẫn phải sản xuất 50% túi nilông truyền thống, 50% túi nilông tự phân hủy để bán cho khách hàng.

Trong khi đó, bà Lê Hồ Thanh Vân, giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất - thương mại - dịch vụ Một Bước Tiến, cho biết hiện nay sản phẩm túi nilông của công ty bà chủ yếu xuất khẩu và được thị trường Nhật công nhận thân thiện môi trường. Bà Vân đánh giá thị trường Việt Nam đầy tiềm năng về túi nilông thân thiện môi trường, nên bà kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành những tiêu chí cụ thể để Công ty Một Bước Tiến có thể bán ở thị trường nội địa.


BÍCH TRÂN - QUANG KHẢI (Tuổi trẻ)