Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tây Nguyên: tìm nước dưới “âm phủ”

(10:18:27 AM 05/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Tây nguyên đang vào mùa khô. Mực nước sông, hồ, đập... ở đây bắt đầu hạ thấp, hàng trăm nghìn hecta cà phê có nguy cơ cháy khát. Cũng như mọi năm, nghề đào giếng ở vùng đất này lao xao vào vụ.

Khác hẳn với giếng khu vực đồng bằng chỉ sâu 5-7m, thường xây gạch đá hoặc dùng khuôn bi, hầu hết giếng ở Tây nguyên bằng đất, lại sâu thăm thẳm có khi đến 50-60m như miệng địa ngục. Vì vậy, những người đào giếng thuê ở Tây nguyên thường gọi đùa về nghề của mình là “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”.

 

Ảnh tác giả chụp từ độ sâu 29m tại một giếng ở làng Lang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai (đang đào chưa có nước). Phía trên là thợ đào Phan Hữu Hòa đang trèo xuống

 

 

Đùa nhưng mà thật, không chỉ do nơi làm việc của họ nằm sâu trong lòng đất tối tăm, nóng chật mà còn nguy hiểm tính mạng. Nguy hiểm nhất là đoạn đào sâu từ 15m xuống dưới, chỉ cần sơ suất nhỏ hay một hòn đá bằng nắm tay rơi từ miệng giếng trúng đầu có thể cướp đi tính mạng. Đó là chưa kể bom mìn, khí độc... chực chờ trong lòng đất.

 

Những người đào giếng vẫn chưa quên vụ tai nạn do khí độc khi đào vét giếng ở xã An Phú, TP Pleiku năm 2007. Nhóm gồm tám người thì có đến sáu người thiệt mạng, hai người vào viện cấp cứu. Vụ tai nạn làm rúng động giới đào giếng ở Tây nguyên thời gian dài. Hay phải ngồi xe lăn suốt đời do tai nạn trong lòng giếng như anh Nguyễn Văn Toàn ở huyện Krông Buk, Đắk Lắk thì không phải là hiếm. Bị rách tay chân, sứt da chảy máu hoặc ngất xỉu là chuyện như... cơm bữa.

 

Nghề này có thể nói sợ nhất là nhận đào giếng cũ, những giếng đã sử dụng trước đó nhưng bị cạn, phải đào thêm mới đủ nước tưới. Thành giếng đoạn dưới ngâm nước lâu, vữa ra thành bùn, có thể sụp xuống chôn người đào bất cứ lúc nào...

 

Quá nhiều hiểm họa, nhưng nghề xuống “âm phủ” tìm nước này vẫn luôn hấp dẫn rất nhiều người bởi nguồn thu nhập khá cao. Hiện nay, đào 10m đầu tiên giá chừng 300.000 đồng/m. Đoạn đào tiếp theo mỗi mét từ 500.000 đồng trở lên. Nếu gặp phải đá, mỗi mét lên đến cả triệu đồng. Trong khoảng một tuần, nhóm thợ 4-5 người hoàn thành một cái giếng với giá 15-20 triệu đồng.

 

Bùn nhão là một hiểm họa với thợ đào giếng

Tổ đào giếng năm người của chủ thầu Lê Quang Sơn (bìa phải) tiến vào rẫy. Với một bộ tời, sọt sắt, xà beng và xẻng, họ có thể hoàn thành một cái giếng sâu 30m trong một tuần nếu không gặp phải đá

Thợ đào giếng Ngô Văn Giáp (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai) cố quay tời đưa đất lên từ đáy giếng

Thợ đào giếng chọn cách xuống “âm phủ” bằng tời để đỡ phải leo hàng chục mét
Mỗi xô đất đá đưa lên mặt đất phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt, có khi cả mạng sống
Những người thợ đào giếng thay nhau hì hục xắn từng xẻng đất mưu sinh. Ở độ sâu từ 30m trở xuống, nhiệt độ thường lên đến hơn 40oC, một người thợ làm việc không quá 15 phút, thợ khác phải xuống thay. Trong ảnh: hai thợ K’so Thiên (trái) và Phan Hữu Hòa làm việc dưới đáy giếng sâu

Thăm thẳm dưới lòng “âm phủ”. Đây là một cái giếng ở xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, Gia Lai sâu 31m

Mạch nước đầu tiên được khơi nguồn sau nhiều ngày làm việc

Niềm vui của ông Nguyễn Hoàn, một chủ nhà, khi đào được giếng nhiều nước mà không có chuyện bất trắc nào xảy ra
TIẾN LONG/TT ( thực hiện)