Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thất thoát vàng do đâu?

(14:21:52 PM 04/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Nhiều lần bị các cơ quan chức năng huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang triệt phá, nhưng mỏ vàng gốc trên núi Vạn Cung, xã Phong Minh vẫn là điểm nóng khai thác vàng trái phép.

Ngày 15/12/2011, CA tỉnh Bắc Giang đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động triệt phá khu khai thác vàng này, đồng thời cử lực lượng ở lại chốt giữ. Thế nhưng, không có gì đảm bảo vàng tặc sẽ không quay trở lại một khi lực lượng chốt giữ rút đi.

Công khai nổ mìn phá núi

Để đến được đỉnh núi Vạn Cung cao 974m so với mực nước biển, chúng tôi phải vượt qua 5km đường  lâm nghiệp với nhiều đoạn dựng đứng. Gọi là điểm khai thác vàng trái phép, nhưng do diễn ra đã nhiều năm nên quy mô chẳng khác một đại công trường đến cả trăm lán trại, hàng chục đường hầm đào sâu vào sườn núi, bám lấy mạch vàng. Các chủ mỏ còn đi hàng trăm mét ống dẫn nước sạch từ trên đỉnh núi xuống lấy nước phục vụ khai thác, sinh hoạt.

Mỏ vàng gốc trên núi Vạn Cung được Đoàn địa chất 913 tìm kiếm, khảo sát vào năm 1993, xác định có 2 đới thạch anh chứa vàng. Đới 1 kéo dài từ làng Đảng, làng Trạm (xã Sa Lý) và dọc theo suối Khan Phùng dài khoảng 4,5km, rộng từ 100-200m; đới 2 từ núi Bạc - Vạn Cung - làng Cả thuộc các xã Phong Minh, Sa Lý, dài 20km, rộng khoảng 0,5km.

Theo một phóng viên địa phương, từ tháng 5-7/2011, UBND huyện Lục Ngạn đã thành lập đoàn liên ngành phối hợp cùng CA tỉnh kiểm tra, xử lý nhiều lần, nhưng mỗi khi lực lượng chức năng rút đi, vàng tặc lại nhộn nhịp khai thác. Một người dân địa phương cho biết, khi mỏ vàng hoạt động, từ trung tâm xã Phong Minh vẫn nghe tiếng mìn nổ. Xác định với mật độ khai thác vàng ở núi Vạn Cung việc vận chuyển thuốc nổ còn diễn biến phức tạp, CA huyện Lục Ngạn đã thực hiện nhiều chuyên án bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép thuốc nổ vào núi Vạn Cung.

Công trường khai thác cheo leo bên sườn núi.    Ảnh: Đ.V.K
Công trường khai thác cheo leo bên sườn núi. Ảnh: Đ.V.K

Giải pháp nào cho núi Vạn Cung?

Để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép vàng gốc trên núi Vạn Cung và tránh thất thoát tài nguyên, Sở TNMT đã nhiều năm kiến nghị lựa chọn DN có năng lực tổ chức khai thác chế biến. Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã hai lần có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng tại huyện Lục Ngạn. Ngày 4.12.2008, Chính phủ đã có công văn đồng ý việc thăm dò vàng gốc tại núi Vạn Cung (Văn Cung) với diện tích 34,33km2. Công văn nêu rõ: “UBND tỉnh Bắc Giang lựa chọn DN có đủ năng lực, kinh nghiệm khai khoáng để thực hiện việc thăm dò”. Tuy nhiên từ đó đến nay, việc lựa chọn DN dường như giậm chân tại chỗ, trong khi tài nguyên khoáng sản vàng bị vàng tặc khai thác vô tội vạ.

Trả lời câu hỏi của PV về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn – GĐ Sở TNMT - cho biết: “Mặc dù vàng như thế nhưng trữ lượng rất nhỏ nên rất khó khăn; hai nữa là Chính phủ vừa rồi yêu cầu tạm dừng việc cấp phép; thứ ba nữa là phải đấu thầu mà chưa có hướng dẫn nên chưa làm được”. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết đã từng có một hai DN xin được đầu tư thăm dò, khai thác. Còn ông Trịnh Hữu Thắng – GĐ Sở KHĐT - cho biết: “Bây giờ có văn bản của Thủ tướng Chính phủ không cho phép cấp phép khai thác các mỏ mới. Ở Bắc Giang cũng chưa có DN nào xin đầu tư thăm dò, khai thác (vàng), chỉ có khai thác thổ phỉ”.

Tuy hai lãnh đạo sở của tỉnh Bắc Giang lý giải vấn đề như vậy, nhưng theo quyết định “Phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2011 (số 2427/QĐ-TTg) thì chỉ cấm thăm dò, khai thác đối với vàng sa khoáng, còn đối với thăm dò, khai thác mỏ vàng gốc vẫn được cho phép với điều kiện “công tác chế biến quặng vàng phải sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước”.

Rõ ràng với việc cập nhật thông tin chỉ đạo từ trung ương như vậy thì việc chảy máu vàng từ núi Vạn Cung chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt?

Đỗ Văn (Lao động)