(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Xung quanh vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, thành viên Hội đồng cố vấn Trang điện tử Tin Môi Trường đã khẳng định, việc chính quyền huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vương là hoàn toàn sai quy định. Tin Môi Trường xin trân trọng giới thiệu bài phân tích của LS Nguyễn Văn Hậu về vụ việc này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM
Thứ nhất, việc ra quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là trái pháp luật. Theo Điều 4, Nghị định của chính phủ số 64- CP ngày 27-09-1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì:
- Thời hạn giao đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm.
- Thời hạn giao đất được tính như sau:
+ Đối với đất của hộ gia đình, cá nhân giao từ ngày 15- 10- 1993 trở về trước, được tính thống nhất từ ngày 15- 10- 1993.
+ Đối với hộ gia đình, cá nhân được giao sau ngày 15- 10- 1993, thì tính từ ngày giao đất.
Theo quy định trên, đối với trường hợp ông Vươn, được giao đất trước ngày 15- 10- 1993, tức sẽ được tính từ ngày 15- 10- 1993 và cùng với thời hạn giao đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm thì phải đến ngày 15- 10- 2013 mới hết thời giạn. Như vậy, có thể thấy thời hạn sử dụng đất của gia đình ông Vươn chưa hết nhưng UBND huyện Tiên Lãng đã quyết định thu hồi bất chấp quy định về thu hồi đất của nhà nước.
Quy định về việc lấy ngày15/10/1993 làm mốc tính thời hạn giao đất trong trường hợp đất nông nghiệp được giao trước ngày 15/10/1993 và quy định thời hạn sử dụng đất nuôi trồng thủ sản là 20 năm tiếp tục được quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
Bên cạnh đó, Điều 67 Luật Đất đai 2003 cũng có quy định “Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”. Trong trường hợp thu hồi đất của ông Vươn, UBND huyện Tiên Lãng chưa chứng minh được rằng trong quá trình sử dụng đất ông Vươn đã không chấp hành đúng pháp luật về đất đai và UBND huyện Tiên Lãng cũng chưa chứng minh được việc sử dụng đất của Ông Vươn là không phù hợp với quy hoach sử dụng đất để ra quyết định thu hồi đất.
Theo quy định trên, nếu trong quá trình sử dụng đất, ông Vươn chấp hành đúng pháp luật đất đai và việc sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì việc sử dụng đất của ông Vươn đương nhiên được gia hạn mà không cần bất cứ thủ tục nào. Như vậy, việc thu hồi đất của UBND Huyện Tiên Lãng đã không dựa trên căn cứ pháp luật về các trường hợp thu hồi đất mà cụ thể là các Điều 38, 39, 40...của Luật Đất đai 2003; Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Nghị định 84/2007/NĐ-CP, Nghị định 69/2009/NĐ-CP dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Có thể nói quy định trên của Luật đã tạo điều kiện cho việc sử dụng đất của người dân được ổn định, tránh sự xáo trộn. Thế nhưng hành vi của những người có thẩm quyền của huyện Tiên Lãng đã đi ngược lại với tinh thần pháp luật và khiến dư luận không thể không nghi ngờ rằng trong vụ việc này phải chăng có yếu tố trục lơi, tư thù trong đó và những hành vi đó nhất là những lời “giải trần” vụ việc của những người có thẩm quyền huyện Tiên Lãng cũng như TP. Hải Phòng làm cho lòng tin của người dân vào chính quyền Nhà nước sụt giảm.
Thứ hai, trình tự, thủ tục cưỡng chế đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng trái pháp luật.
Theo Điều 32 của Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoach sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất như sau: Trước hết UBND huyện Tiên Lãng phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định pháp luật; Quá 30 ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước; Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành; Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế hoặc niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.
Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối chiếu với những thông tin về trình tự, thủ tục thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng chúng ta có thể thấy họ đã thiếu những bước quan trọng, đầu tiên là sai trong việc ra quyết định thu hồi đất, tiếp đến là không thực hiện đầy đủ quy trình luật định của một vụ cưỡng chế đất như chưa có bước vận động người có đất bị cưỡng chế giao đất….
Chỉ lược sơ vài điểm của quy định pháp luật trên cũng đủ để thấy rằng việc cưỡng chế đất của UBND huyện Tiên Lãng là hoàn toàn sai quy định pháp luật. Bên cạnh đó, theo tôi trong vụ việc này việc giám sát, kiểm tra các hoạt động thực thi pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cũng như của các đoàn thể đã không được tiến hành tốt ngay từ đầu. Vụ việc trên đã đi ngược lại với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, trái ngược lại với những quy định hiện hành của pháp luật. Trong khi đó, chính quyền cấp Tỉnh lại xử lý không kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn dẫn đến vụ việc dây dưa, kéo dài.
Từ vụ việc này, cấp ủy và chính quyền Tp. Hải Phòng cần phải rút ra bài học sâu sắc về việc tổ chức, phương thức cưỡng chế đất đai. Bất cứ vụ cưỡng chế đất đai nào cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nó đòi hỏi việc cưỡng chế phải đúng trình tự quy định pháp luật nếu không sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Ở đâu làm công tác dân vận tốt, và có cán bộ hiểu biết pháp luật, có uy tín với dân thì mới có thể giải thích, thuyết phục người dân, mới làm cho dân tin được. Điều quan trọng nữa là chính sách, quy định của địa phương đòi hỏi phải công khai, minh bạch và công tác tuyên truyền pháp luật phải được thực hiện tốt để đi đến chỗ “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” và phải công khai thông tin với báo chỉ khi sự việc xảy ra như Tiên Lãng để thông tin tới dư luận và trong vụ việc này, phải chăng đây là một sự yếu kém về công tác dân vận của chính quyền Hải phòng. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cũng cần xử lý nghiêm cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm, có các hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
LS. Nguyễn Văn Hậu