Chim có trọng lượng 7,5 kg, sải cánh rộng 2,8 mét, cao 0,5 mét, thân chim dài 0,7 mét. Mỗi ngày chim ăn hết một cân rưỡi thịt và rau.
Được biết, thấy chim lạ xuất hiện, bà con trong vùng kéo đến xem mỗi ngày một đông.
Hai loài kền kền và đại bàng đầu trọc gần giống nhau, nhưng kền kền hơi nhỏ hơn, đầu không có lông, đầu và mỏ nhìn hơi dài hơn so với đại bàng đầu trọc.
Kền kền thỉnh thoảng bắt gặp ở nam Việt Nam, ở Nam bộ là loài kền kền Ấn Độ (Gyps indicus); ở Tây Nguyên thỉnh thoảng gặp loài kền kền khác là loài kền kền Băng gan (Gyps bengalensis).
Con chim lạ mà người dân bắt được bên hồ sông Đà chính là đại bàng đầu trọc. Ảnh: Điêu Chính Tới |
GS Quý cho biết, đại bàng đầu trọc có tên khoa học là Aegypius monachus, đầu không có lông như các loài chim khác, nhưng vẫn có lông bông, mịn che kín da đầu.
Đại bàng đầu trọc sinh sống chính ở nam châu Âu, bắc Phi, vùng Trung Đông, Iran đến Mông Cổ, Tây Trung Quốc. Thỉnh thoảng vào mùa đông, đại bàng đầu trọc di cư xuống miền Bắc nước ta.
Loài đại bàng đầu trọc và kền kền là những loài ăn thịt (thường là xác chết các loài động vật lớn), mà không bắt các mồi sống như các loài chim ăn thịt khác như diều hâu, cắt, đại bàng...
Khi di cư đến nước ta, đại bàng đầu trọc thường không tìm đủ thức ăn, bị đói lả, rơi xuống đất, không bay được nên dễ bị bắt.