Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tháng 10 năm ngoái, tại huyện Yên Thành, Nghệ An xảy ra trận động đất mạnh 3,8 độ Richter. Ảnh: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần. |
Tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, có dấu hiệu nghi ngờ đã xảy ra ba động đất gây sóng thần tại ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh) vào các khoảng thời gian cách đây từ 4.500 năm đến 4.300 năm; từ 4.100 năm đến 3.900 năm; và từ 900 năm đến 600 năm.
Các địa chấn này có thể có cường độ ít nhất 7,5 độ Richter (theo thang đo cấp độ động đất) và gây nên sóng thần ập vào bờ biển Nghệ An và Hà Tĩnh với độ cao tối đa 10 m.
Các đợt sóng thần đã tạo ra các cồn điệp lẫn sò ốc ở các sườn núi, gây trượt lở sườn mạnh quy mô lớn tạo nên nhiều trận 'đại hồng thủy' trong khu vực ven biển Nghệ Tĩnh.
"Những phát hiện ban đầu về cổ sóng thần tại Nghệ Tĩnh có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra một số khả năng và cấp độ động đất sóng thần xảy ra ở Việt Nam, từ đó có những cảnh báo thích hợp", tiến sĩ Triều nói.
Sơ đồ ước tính sóng thần đến Việt Nam nếu có động đất mạnh tại đới đứt gãy Manila, phía tây Philippines (điểm đánh dấu đỏ). Đồ họa: vast.ac. |
Tiến sĩ Triều cho biết thêm, trong trường hợp động đất lớn nhất xảy ra tại đới hút chìm Manila (Philippines), với cường độ lên tới 9 độ Richter, có thể gây sóng thần tối đa tới bờ biển Nghệ An có độ cao tối đa 7 m.
Theo các nhà khoa học, đới đứt gãy Sông Cả và nhánh của nó, đứt gãy Cửa Lò có biểu hiện hoạt động hiện đại khá rõ thể hiện ở sự cà nát rất mạnh các đất đá, cùng với hoạt động xói lở và hình thành mương xói rất mạnh mẽ trong một khu vực rộng xung quanh hệ thống đứt gãy này. Trên đới đứt gãy Sông Cả từng ghi nhận các trận động đất lớn nhất tới 6 độ Richter.