Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, bày tỏ bức xúc với báo chí: “Từ khi sự việc bị những kẻ côn đồ sử dụng vũ lực thì chưa ai hỏi thăm những người bị thương trong vụ cưỡng chế mà chỉ đưa ra các “tiểu tiết” thể hiện huyện Tiên Lãng toàn cường hào, ác bá”. Tuy nhiên, khi được hỏi các “tiểu tiết” là gì thì ông Khánh không trả lời.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc ai là người phá nhà ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn), ông Khánh đáp: “Chúng tôi chỉ khẳng định đoàn cưỡng chế không có lệnh phá nhà, còn ai phá thì chưa xác định được. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này”.
Với câu hỏi: “Ông có ý kiến gì khi nhà một người dân ngang nhiên bị phá?”, ông Khánh biện minh: “Đây không phải là nhà mà chỉ là cái chòi canh cá hoặc lều tạm. Đất này không phải để xây nhà”.
Ông Đoàn Văn Vươn là người tích cực trong việc đắp đê và làm cống Rộc ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng. Ảnh: THẾ DŨNG
Liên quan đến việc sau khi khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn bị thu hồi, thủy sản và hoa màu ước tính khoảng 1,5 tỉ đồng đã “biến mất”, ông Khánh lý giải: “Sau khi cưỡng chế xong, chúng tôi “buông xuôi” hết nên không biết thủy sản và hoa màu thế nào”.
Theo giải thích của ông Khánh, từ “buông xuôi” được hiểu là về nguyên tắc, trước khi thu hồi, lực lượng cưỡng chế đã thông báo cho ông Vươn cần phải thu hoạch thủy sản và hoa màu. Vì thế, đoàn cưỡng chế đã tháo cống ngay trong ngày cưỡng chế.
Ông Khánh cho rằng báo chí đang hiểu sai và đưa nhiều thông tin sai lệch, bất lợi cho chính quyền. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi: “Câu chuyện thực sự là gì? Báo chí sai ở đâu?” thì ông Khánh đáp: “Hiện tất cả mọi vấn đề không thể thông tin. Để cơ quan chức năng làm rõ rồi sẽ công bố ai đúng, ai sai”.
Nhiều luật sư nhận bào chữa cho ông Vươn
Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, cho biết xã này có diện tích rộng lớn với hơn 8.000 dân, nhiều vùng bãi bồi ven biển. Những vùng ổn định thì huyện giao xã quản lý, còn toàn bộ khu vực nhà ông Vươn, huyện chưa có biên bản bàn giao mà chỉ thông báo UBND xã quản lý đầm và khu vực đã bị cưỡng chế là 19,2 ha.
Về thông tin trước khi diễn ra vụ cưỡng chế, một số đối tượng giang hồ tại quận Kiến An đã được nhóm “anh chị” ở huyện Tiên Lãng có quan hệ mật thiết với một chủ đầm nuôi trồng thủy sản tên K. điều về khu vực đầm của ông Vươn để gây thanh thế, ông Liêm khẳng định trong danh sách quản lý hành chính xã Vinh Quang không có ai tên K.
“Có thể có người tự thỏa thuận với dân để làm kinh tế khu vực đầm nhưng không làm việc với xã. Tôi sẽ yêu cầu trưởng công an xã báo cáo để nắm sự việc và làm rõ trách nhiệm” - ông Liêm nói.
Khi một số phóng viên liên hệ với ông K. thì ông này khẳng định không liên quan gì đến vụ việc và có nhiều lời lẽ khiếm nhã.
Cùng ngày, luật sư Nguyễn Duy Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết đã có thêm 4 công ty luật và văn phòng luật sư nhận bào chữa miễn phí cho ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông.
Theo luật sư Minh, ngoài việc tích cực thu thập tài liệu để củng cố chứng cứ, ông sẽ làm việc với CQĐT Công an TP Hải Phòng để nhận giấy chứng nhận bào chữa và tiếp xúc với ông Vươn.
Ai sai cũng phải xử lý nghiêm
Sáng 31-1, trả lời câu hỏi của báo chí khi tới dự cuộc giao ban báo chí đầu năm tại Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng việc báo chí thông tin về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng là đúng.
Theo ông Đinh Thế Huynh, báo chí cần thông tin cả cái sai của người dân cũng như của các cán bộ địa phương nếu có. “Người dân hay cán bộ sai đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật” – ông Huynh nói.
P. Dương
|