Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Ông Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Cơ quan này đã chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành chủ quản, Sở Y tế và ủy ban nhân dân các quận, huyện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 16 bệnh viện tuyến Trung ương, 20 bệnh viện tuyến thành phố và 15 bệnh viện tư nhân nằm trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Kết quả kiểm tra cho thấy, các bệnh viện đã thực hiện được một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và trong bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và xác nhận: 100% các bệnh viện đã xử lý chất thải rắn bằng hệ thống xử lý chất thải rắn đã được trang bị tại bệnh viện và tiến hành thu gom tập trung để ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị vận chuyển, xử lý theo quy định; 100% các bệnh viện đã tiến hành xử lý nước thải tại hệ thống xử lý đã đầu tư tại bệnh viện và xử lý tạm thời bằng Cloramin B theo quy định của Bộ Y tế (50 g/m3 trong thời gian 30 - 60 phút).
Một số bệnh viện đã thực hiện đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (CTNH), bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời CTNH và đã chủ động ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 10 - URENCO 10 để thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế am hiểu kiến thức về phân loại rác thải và xử lý chất thải y tế; đồng thời củng cố khoa phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện; duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát công tác chống nhiễm khuẩn và xử lý chất thải y tế nguy hại…
Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra tại một số bệnh viện, các cơ quan chức năng đã phát hiện có sự thay đổi, bổ sung về loại chất thải hoặc tăng từ 15% trở lên so với khối lượng đã đăng ký, nhưng các bệnh viện chưa tiến hành điều chỉnh đăng ký chủ nguồn chất thải, đăng ký cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hệ thống xử lý chất thải rắn ở một vài bệnh viện đã xuống cấp, không vận hành thường xuyên. Một số bệnh viện do chưa có hệ thống xử lý nước thải, nên ngành y tế đã hướng dẫn khử trùng nước thải bằng Cloramin B theo quy định của Bộ Y tế trước khi đổ ra cống chung của thành phố.
Đối với các cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng đã xuống cấp hoặc quá tải, phải có kế hoạch nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế đối với cả nước thải, chất thải rắn và khí thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường. Đối với các cơ sở y tế mới xây dựng, khi tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, quy trình thẩm định đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải y tế đối với cả nước thải, chất thải rắn và khí thải. Tổ chức việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm của các bệnh viện, cơ sở y tế khác và đề ra biện pháp giải quyết ô nhiễm và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong nhiều năm qua, chất lượng nước của nhiều đoạn sông trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, nồng độ các chất hữu cơ, dinh dưỡng có giá trị vượt Quy chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép. Nguyên nhân ô nhiễm là do sông Nhuệ - sông Đáy tiếp nhận trực tiếp nguồn thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt Quy chuẩn cho phép từ các khu dân cư, bệnh viện, từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên lưu vực. Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực, thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường như: hoàn thiện và tăng cường hiệu lực thi hành của hệ thống luật pháp; hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, của người dân và cộng đồng; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư; tăng cường công tác quy hoạch bảo vệ môi trường; thiết lập hệ thống thông tin, giám sát; đa dạng hóa các nguồn vốn và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường….