Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thịt bẩn vẫn còn là nỗi lo lớn

(22:30:10 PM 29/01/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần (ảnh) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn về tình trạng thịt bẩn hiện nay.

Thưa ông, liên tiếp các vụ vận chuyển thịt bẩn bị phát hiện và bắt giữ nhưng vì sao cơ quan hữu trách vẫn không thể ngăn được các lô hàng kém chất lượng lọt vào các TP lớn?

 


Ảnh: Q.D 

Chúng ta đang bị vướng về quy định xử phạt các đối tượng có hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và vận chuyển, buôn bán thịt bẩn nói riêng. Lâu nay, sau khi phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển thịt thối đi tiêu thụ, chúng ta mới chỉ áp dụng hình thức xử phạt xử lý hành chính và buộc tiêu hủy tang vật. Mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cho nên, trong nhiều trường hợp, các đối tượng vi phạm sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.

 

Nguồn thịt bẩn lưu hành trên thị trường nội địa, theo chúng tôi, một phần không nhỏ được tuồn ra từ các lô hàng tạm nhập tái xuất. Lâu nay, các lô hàng thực phẩm tạm nhập tái xuất có nguồn gốc động vật không phải qua kiểm dịch. Lợi dụng điều này, người ta đã cho nhập thịt bẩn với danh nghĩa hàng tạm nhập tái xuất rồi tung ra thị trường nội địa. Bộ Tài chính vừa mới ban hành thông tư quy định về kiểm dịch sản phẩm động thực vật tạm nhập tái xuất. Theo đó, qua kiểm dịch, nếu lô hàng không đạt, hoặc là sẽ bị tiêu hủy, hoặc trả về chính nơi xuất lô hàng đó, chứ không cho phép tái xuất sang nước thứ ba. Các quy định này, tôi cho là sẽ bịt được kẽ hở và là “cây gậy” để chúng ta ngăn chặn thịt bẩn xâm nhập thị trường nội địa.

Ông nghĩ gì về khâu kiểm soát khi các xe thịt bẩn dễ dàng đi qua nhiều tỉnh thành, thậm chí có giấy chứng nhận kiểm dịch?

Đạo đức của một bộ phận cán bộ thú y đang bị xuống cấp, không cưỡng lại được sự cám dỗ vật chất. Thậm chí họ còn bán khống cả giấy kiểm dịch kia mà. Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý nghiêm minh, thậm chí loại khỏi ngành, để trong hàng ngũ lực lượng thú y ngày càng ít đi những “con sâu” nguy hại. Tôi đã đề nghị các tỉnh cho tôi biết các giấy kiểm dịch cho những lô hàng thịt bẩn có xuất xứ ở đâu, do ai ký. Ai ký giấy đó, tôi kỷ luật ngay.


Lô chân trâu bò trôi nổi vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ bị Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức ngăn chặn - Ảnh: Hoàng Việt 

Tình trạng thịt tồn dư chất cấm, kể cả những chất có thể gây bệnh ung thư như Clenbuterol, bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua cho thấy hiệu quả kiểm soát vấn đề này còn rất thấp?

Đây là điều hết sức nguy hại. Những chất cấm vẫn nhập lậu qua biên giới, theo chân những người buôn bán nhỏ lẻ tiếp cận các trang trại chăn nuôi. Vừa rồi, nhận được thông tin một số đơn vị ở Đồng Nai kinh doanh các chất cấm trong chăn nuôi, tôi đã yêu cầu điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh. Chúng tôi đã và đang làm mạnh vấn đề này nhưng đúng là việc kiểm soát chất này rất khó, rất cần sự ủng hộ của người chăn nuôi. Vì vậy, theo tôi, khâu tuyên truyền để nông dân mình thấy được tác hại ghê gớm của chúng, để loại khỏi thực đơn của đàn heo nhà mình là điều cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Bao giờ thì người tiêu dùng có thể an tâm về bữa cơm của gia đình mình?

Nỗi lo về thịt bẩn và thịt chứa chất cấm nguy hại đến sức khỏe vẫn hiện hữu. Người nghèo là những người chịu tổn thất nhiều nhất trước vấn nạn thịt bẩn vì các lô hàng này thường chủ yếu tuồn vào khu công nghiệp, ký túc xá, chợ vùng ven nhưng với chất cấm trong thịt thì đúng là “người giàu cũng phải khóc” vì bằng mắt thường, không ai có thể biết miếng thịt mình mua về có chứa chất cấm hay không. Chúng ta còn phải chiến đấu nhiều mới mong người dân ngày càng an tâm hơn với sự an toàn của những bữa cơm gia đình. 

 

Nhiều địa phương buông lỏng kiểm soát

Từ đầu năm 2011 đến nay, cơ quan thú y và đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM đã phát hiện hàng trăm vụ vận chuyển “thịt bẩn” từ miền Bắc và miền Trung vào TP tiêu thụ. Tôi không hiểu vì sao xe chở thịt bẩn lại có thể vượt qua một loạt các tỉnh, thành để vào đến TP.HCM. Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát phần ngọn, còn phần gốc ở các địa phương thì đang bị buông lỏng. (Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM)

Theo quy định, cơ quan thú y các tỉnh khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh cho một lô hàng bắt buộc phải ghi thông tin cụ thể, ghi rõ là vận chuyển bằng phương tiện gì, xe biển số mấy, người nhận là ai, địa chỉ người nhận. Quy định cũng bắt buộc sản phẩm động vật phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, các trường hợp vận chuyển bằng xe khách là sai.=

Tuy nhiên, có trường hợp cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng vận chuyển bằng xe khách có thể không kiểm tra thực tế, sai quy định, nhiều lô hàng sản phẩm động vật mặc dù có tem kiểm dịch của cơ quan thú y địa phương nhưng nội dung không hợp lệ, nhiều thông tin để trống, không đúng thực tế. Đây là trách nhiệm của cơ quan thú y địa phương. (Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm thú y H.Bình Chánh, TP.HCM)

Quang Thuần - Hoàng Việt


 

Quang Duẩn (Thanh niên)