Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đất thể hiện đầm tôm bị cưỡng chế là đất nông nghiệp

(11:15:55 AM 19/01/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - “Căn cứ để xác định đất đầm tôm của ông Vươn là đất nông nghiệp nằm ở chính quyết định giao đất trong thời hạn 15 năm của huyện Tiên Lãng” - GS Đặng Hùng Võ “bật” lại ý kiến của đại diện UBND TPHải Phòng rằng đây là đất bãi bồi ngoài đê biển.

>>Phó chủ tịch Hải Phòng: "Dân bất bình nên phá nhà ông Vươn”

 

Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng có thêm diễn biến với phát biểu của đại diện chính quyền thành phố theo hướng dường như lật lại những ý kiến, phân tích của nhiều chuyên gia những ngày qua về các sai phạm khi giao, thu hồi, cưỡng chế đầm tôm của người dân.

 

Theo đó, trong trả lời báo chí tại buổi giao ban lãnh đạo báo chí ngày 17/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Phòng, ông Đỗ Trung Thoại cho rằng các ý kiến chỉ tập trung phân tích khi “mặc định” đất đầm tôm của ông Vươn là đất nông nghiệp. Ông Thoại tuyên bố, đó là đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia, không phải đất sản xuất nông nghiệp để có thể giao sử dụng ổn định trong 20 năm. Vấn đề thời hạn giao đất, theo đó, cũng do địa phương và người thuê đất thỏa thuận với nhau.
 
Xe ủi có mặt trong vụ cưỡng chế thu hồi đất, san phẳng căn nhà 2 tầng tại khu đầm tôm.
 

 

Nêu vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đặt lại câu hỏi, ông Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng nói như vậy trên căn cứ ở điều luật cụ thể nào?

 

“Nói gì cũng phải có luận cứ về pháp luật, không thể tự mình nghĩ như và cho rằng sự việc như vậy” – GS Võ nêu quan điểm.

 

Ông Võ lập luận, căn cứ để xác định đất đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn là đất nông nghiệp nằm ở chính quyết định giao đất trong thời hạn 15 năm của huyện Tiên Lãng cho gia đình nông dân này. Quyết định giao đất đó sai chính vì việc định thời hạn này.

 

“Việc giao đất phải tuân thủ theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ, quy định việc giao đất đối với đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối có thời hạn 20 năm. Điều 4, Nghị định 64 nêu cụ thể, nếu giao đất trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn được tính từ thời điểm này, nếu sau thời điểm đó thì thời hạn được tính từ thời điểm giao đất” - ông Võ trích dẫn điều luật để chứng minh.

 

Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay cũng không cho phép UBND cấp huyện được quy định về thời hạn giao đất và mức diện tích giao đất trong khi Tiên Lãng lại tự đề ra quy chế về giao đất, tự quyết định về thời hạn và hạn mức giao đất.

 

Thêm nữa, trong vụ này, việc Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là anh ruột của Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (nơi có đầm tôm bị cưỡng chế của ông Vươn), theo ông Võ cùng là điều cần bàn vì trái nguyên tắc.

 

Còn đối với đất bãi bồi ven sông ven biển, ông Võ khẳng định, phải xác định căn cứ vào Nghị định 773 của Thủ tướng Chính phủ năm 1994.

 

GS Đặng Hùng Võ cũng “bật” lại phát biểu của người đại diện UBND TP.Hải Phòng “bản chất “hợp đồng” giữa huyện Tiên Lãng và ông Vươn là cho thuê đất nhưng trong quyết định lại viết thành giao đất”. Ông Võ nhấn mạnh, việc Việc áp dụng pháp luật là theo đúng câu chữ, không thể lập lờ như vậy.

 

“Cấp huyện đã làm sai hoàn toàn. Chính quyền thành phố không nên tìm cách để thuyết minh cho cấp dưới của mình” - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng các cơ quan chức năng cần nhận trách nhiệm trong vụ việc này.

 

Dẫn lại vụ án sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồ Sơn, vụ án tại Quán Nam thời gian trước, ông Võ khái quát, Hải Phòng nên lấy đây làm kinh nghiệm để giải quyết vụ việc lần này, để nghiêm túc chấn chỉnh lại những biểu hiện “tự tung tự tác”, vô nguyên tắc trong lĩnh vực quản lý đất đai ở cấp huyện, cấp xã của mình.

P.Thảo / Dân trí