Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong đó, có 4/7 DN này bị TTCP chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, xử lý.
Cố tình tố cáo sai sự thật
Liên tục trong tháng 9 và tháng 10/2011, 7 DN dược phía nam gồm: Công ty CP dược phẩm Imexpharm, Công ty CP dược phẩm Tipharco, Công ty CP dược phẩm Minh Hải, Công ty CP dược Agimexpharm, Công ty CP Pymepharco, Công ty CP dược S.Pharm, Công ty TNHH liên doanh Stada - VN đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí tố cáo một số hiện tượng tiêu cực tại Cục QLD và cá nhân ông Cục trưởng Cục QLD. Trong đơn, 7 vị lãnh đạo của 7 Cty dược trên ký tên và đóng dấu đỏ và quả quyết rằng: Đó là những “kiến nghị thẳng thắn” trước những biểu hiện tiêu cực.
Thế nhưng, sau khi TTCP vào cuộc xem xét nội dung phản ánh của 7 DN trên đã kết luận: Qua thanh tra, xác minh thấy nhiều nội dung phản ánh trong đơn không có cơ sở, nhiều nội dung không đúng sự thật. Đặc biệt, TTCP đã xác minh 16 nội dung phản ánh liên quan Cục trưởng Cục QLD và kết luận toàn bộ nội dung phản ánh không đúng sự thật.
7 DN dược tố cáo: Cục trưởng Cục QLD cấp nhiều số đăng ký (SĐK) thuốc cho các thuốc ngoại, gây khó khăn cho các DN trong nước. TTCP chỉ rõ: Việc cấp SĐK hiện nay của Bộ Y tế được thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình xử lý các hồ sơ xin đăng ký thực hiện theo “quy trình chuẩn”, mỗi hồ sơ được các nhóm chuyên gia thẩm định, được Hội đồng xét duyệt thuốc của Bộ Y tế xem xét và quyết định cấp SĐK. Tỉ lệ cấp SĐK thuốc trong nước từ 2008 -2011 chiếm 55%, cấp SĐK thuốc nước ngoài chiếm 45%... Với số liệu này cho thấy nội dung tố cáo là không đúng sự thật. Đặc biệt, TTCP đã làm rõ việc có hay không Cục QLD ưu ái cấp duyệt dự trù nguyên liệu (PSE) cho Cty liên doanh BV Pharma tăng hơn 700% cùng kỳ, chiếm 43% tổng số lượng được nhập. Qua xem xét cho thấy, tổng số nguyên liệu PSE Cục QLD cấp phép cho 61 Cty từ 1.1.2009 đến 31.8.2011 là 120.237,14kg, trong đó có 6 số Cty được cấp số lượng lớn. Tỉ lệ nguyên liệu PSE cấp cho BV Pharma trên tổng số là 4,24% chứ không phải 43% như đơn tố cáo.
Bộ Công an đã khởi tố vụ án buôn lậu tiền chất ma tuý. Ảnh: P.B |
Các nội dung tố cáo: Cản trở Công ty Nanogen đăng ký sản phẩm Pegnano điều trị viêm gan siêu vi B, C; Gây khó khăn không cấp SĐK cho Công ty S.Pharm; Ký đơn hàng nhập khẩu không có SĐK cho Công ty Eco, ưu tiên cấp nhiều giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có SĐK cho Công ty Eco; cho phép nhập khẩu vaccine, sinh phẩm dưới hình thức “thuốc” để không phải kiểm định... đều được TTCP kết luận là những nội dung phản ánh không có cơ sở và không đúng sự thật.
Buôn lậu chất ma tuý
Kết luận của TTCP còn chỉ rõ những vi phạm trong mua bán nguyên liệu, sản xuất, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện (GN), hướng tâm thần (HTT) và tiền chất (TC) dùng làm thuốc của 5 DN, trong đó có 4 DN đứng tên trong đơn tố cáo Cục QLD. Trong đơn tố cáo, 7 DN dược đòi “đưa ra công lý những hành vi tội ác” nhưng thật trớ trêu những việc mà các DN này đã và đang làm là những hành động vi phạm các quy định về phòng, chống ma tuý. Kết luận đã chỉ rõ, Công ty CP dược phẩm Imexpharm từ 1.7.2010 đến 31.8.2011 đã bán hơn 4 triệu viên thuốc GN Nucofed không đúng đối tượng. Công ty CP dược phẩm Tipharcao từ tháng 7.2010 đến 31.8.2011 bán hơn 400 nghìn viên thuốc HTT Phenobarbital 100mg tương đương 41,49kg Phenobarbital (chất HTT) không đúng đối tượng. Công ty TNHH liên doanh Stada - VN bán 210 chai thuốc Partamol siro (PSE 30mg), 240 hộp x 100 viên Partamol Codein (tương đương 0,00063 kg PSE (TC), 0,72kg codein (chất GN) sang Papua New Guinea không có giấy phép của Bộ Y tế. Công ty CP dược phẩm Minh Hải trong 6 tháng đầu năm 2011 đã bán hơn 500 nghìn viên thuốc HTT không đúng đối tượng. Có dấu hiệu xuất khống hóa đơn bán hàng hơn 5 triệu viên thuốc có chứa chất GN...
TTCP kiến nghị Bộ Y tế xem xét, xử lý vi phạm đối với 8 Công ty dược. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý việc 7 DN phản ánh sai sự thật theo đúng quy định.
Đặc biệt, TTCP chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Công an xem xét xử lý 5 DN gồm: Công ty CP dược phẩm Tiền Giang, Công ty TNHH liên doanh Stada - VN, Công ty CP dược phẩm Minh Hải, Công ty CP xuất nhập khẩu y tế TPHCM, Công ty dược phẩm Hà Tây đã vi phạm các quy định về phòng, chống ma túy. Cty CP dược phẩm Imexpharma có dấu hiệu buôn lậu dược phẩm GN, HTT, TC qua biên giới và bán thuốc GN không đúng đối tượng. Cơ quan CSĐT tội phạm ma tuý đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện đối với Cty Stada VN và Imexpharm.
Vậy là 4/7 DN dược được cho là “người hùng” trong việc tố cáo những tiêu cực trong ngành dược, lại đang vướng vòng lao lý bởi liên quan tới việc buôn bán chất ma tuý.