(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Áp công thức phim tết vài năm nay vào “Vũ điệu đường cong” thì thấy phim có đủ ba vị: Hài, lãng mạn và chút xúc động. Thế nên, khán giả tuổi nào xem cũng được.
Với cách dàn dựng phim kiểu “phim lồng trong phim”, bộ phim dài 94 phút nhưng phân ra nhiều đoạn nhỏ gọi là tập, với tên riêng và số thứ tự, cho đến tập cuối cùng là 30, tương đương với số tập phim của một bộ phim thường phát sóng trên truyền hình hiện nay. Cái tứ của câu chuyện phim khá đơn giản.
Long (Võ Thành Tâm), một chàng nha sĩ độc thân chung thành với cuộc sống tẻ nhạt, chỉ biết chăm chỉ kiếm tiền trong cái guồng quay Việt Nam thời… bão giá. Tình cờ, anh gặp Trâm (Kim Phượng), nữ diễn viên xinh đẹp nổi tiếng khi cô tới phòng khám của anh để chữa chiếc răng bị mẻ.
Mối tình lãng mạn bắt đầu, Long bị cuốn vào một vai trong bộ phim mang tên “Múa cho tình yêu” cùng Trâm, rồi cũng giống những cặp đôi “ăn cơm trước kẻng”, họ đương đầu với thực tế trở thành ông bố bà mẹ tương lai.
Đứng giữa hai lựa chọn hoặc sự nghiệp đang lên, hoặc cái thai trong bụng, cô nàng diễn viên và anh chàng nha sĩ đã trải qua nhiều khó khăn và sóng gió trong cuộc sống lẫn tình yêu.
Vượt qua được nhiều suy nghĩ và sự mâu thuẫn, cô nàng diễn viên cũng đã cố gắng hoàn thành được vai diễn chính mà mình đang tham gia.
Và khi cảnh quay của cô kết thúc cũng chính là lúc anh chàng nha sĩ và cô nhận ra được giá trị của tình yêu, của cuộc sống. Đó chính là đứa con trong bụng và một tương lai tươi sáng khi cả hai dám vượt qua dư luận.
Câu chuyện phim thì rất thường, chẳng có gì đáng nói. Đáng nói hơn là sự khéo léo xử lý tình huống phim và cách chọn lựa diễn viên của đạo diễn Đỗ Trọng Khoa. Đã qua cái thời của sự ngây ngô khi Khoa làm 14 ngày phép.
Cuộc sống tại Việt Nam giúp anh cảm nhận rõ hơn hơi thở đích thực của những luồng lạch đòi sống trong những góc phim mà anh đề cập đến khiến những gì trên phim mang lại sự chân thật và gần gũi với người xem.
Xen vào câu chuyện của của Trâm và Long người ta có thể bắt gặp những thực trạng không đáng có ở phim truyền hình hiện nay qua mỗi tập từ tập 1 đến tâp 30 của bộ phim trong Vũ điệu đường cong. Kể đời sống của những người làm phim truyền hình thời “mỗi ngày một tập”.
Phải quay 17-18 tiếng mỗi ngày, đoàn phim căng thẳng, ê-kíp mệt mỏi, câu hỏi đặt ra, trong điều kiện làm việc như thế thì người ta có còn thời gian để sống, để yêu, để trở về chính mình hay không?
Trong phim, cứ khoảng 7-10 phút thì người xem bước qua một tập mới, mà ở đó, tâm sự của đoàn phim gồm đạo diễn Cường (Việt Anh), trợ lý Bảo (Tăng Nhật Tuệ), phục trang Mai (Tiêu Châu Như Quỳnh)... được đan cài khá tài tình. Những góc tối của kiểu làm phim “mì ăn liền” quay mỗi ngày một tập, chuyện gạ tình đổi vai, cho đến hiện tượng đồng tính, bơm ngực của nữ diễn viên,… tất cả hiển hiện trong những câu thoại ngắn khiến người ta bật cười.
Những chuyện tưởng cũ, lại quá quen với những người làm phim dễ gây cho người ta cảm giác nhàm chán nhưng qua bàn tay biên kịch của Vũ Trọng Khoa và Kim Phương.
Những tình tiết trở nên ngắn gọn, đủ liều lượng không khiến người xem thấy ngán. Thêm vào đó, bởi chuyện phim khá đơn giản nên có thể nhận thấy việc chọn lựa diễn viên cho các vai trong Vũ điệu đường cong là hết sức nghiêm túc.
Không sử dụng các chân dài, hotboy, dàn diễn viên trong Vũ điệu đường cong hầu hết là những diễn viên cứng nghề. Chính vì thế khi vào vai, những khô cứng của nét diễn hay những tình huống ngờ nghệch thường thấy của những diễn viên tay ngang được tiết chế một cách tối đa giúp người xem đỡ khó chịu.
Điểm sáng trong diễn xuất của Vũ điệu đường cong là vai Trâm của Kim Phượng. Khó ai nghĩ Kim Phượng của Phượng Đê đầy nam tính lại diễn ngọt vai một vũ công múa bụng đến thế.
Sự mềm mại, quyến rũ với những kỹ năng múa bụng ở trình độ đủ để những người xem tin vào vai diễn, đây là là diễn viên múa bụng thực thụ. Sự đầu tư cho vai diễn của Kim Phượng cũng đã chứng minh được hiệu quả trên phim khi hầu hết những cảnh do cô diễn xuất đều sạch sẽ một cách trót lọt.
Cũng mang yếu tố đồng tính vào phim nhưng nhân vật Bảo (do Tăng Nhật Tuệ đóng) tạo ra được sức thu hút lớn khi đã khắc hoạ được một bức tranh đa sắc về vai diễn đồng tính trong phim. Bảo trên phim xuất hiện là một con người thân thiện, hòa nhập và hoàn toàn thoải mái với giới tính của mình.
Chính sự đồng bóng đúng mực này của Bảo đã mang đến những tình huống chọc cười khán giả một cách tự nhiên chứ không cường điệu hoá, kệch cỡm như các vai đồng tính trước đây trên màn ảnh.
Cũng vẫn những câu nói chảnh chọe, những cái lắc mông điệu nghệ, cái lườm nguýt thường thấy ở một nhân vật “bóng lộ”,… nhưng tất cả đều đủ chín cho một vai diễn gia vị trong phim. Không làm quá để tạo cảm giác cười nhưng cười vì sự lố bịch của một anh chàng bóng lộ.
Kế đến là sự lột xác Minh Luân (vai nha sĩ Hải), vai diễn này thay đổi được diện mạo và lối diễn thường thấy của gương mặt truyền hình đã quá quen thuộc này. Vai của Minh Luân thuộc diện vui nhộn, sống lạc quan.
Phải nói là với một diễn viên truyền hình lần đầu đóng phim điện ảnh cái khó nằm ở chỗ tiết chế cách diễn và đi vào chiều sau của những ngôn ngữ điện ảnh chứ không thể mang kiểu diễn vừa diễn vừa chơi như làm phim truyền hình vào được. Và Minh Luân với vai bác sĩ Hải phần nào đã làm tròn vai của mình và đã diễn cho ra chất điện ảnh.
Đặc biệt, phim quy tụ dàn diễn viên phụ đình đám, gạo cội như Hoài Linh, NSƯT Hồng Vân, Bình Minh, Siu Black, NSƯT Việt Anh,… nhưng
Vũ điệu đường cong đã khai thác được khả năng tấu hài của từng gương mặt tham gia, góp phần mang đến những trận cười và bài học về cuộc sống với ý nghĩa sâu xa. Sự tiết chế các gương mặt gia vị này đã làm một thành công với Vũ Trọng Khoa bởi ngay khi nhìn thấy những cái tên trên người ta dễ nghĩ đến chuyện sẽ có những màn chọc cười quá lố của họ.
Phim có kết cấu khá lỏng, khiến người xem gần 40 phút vẫn thấy lo lắng cho cái sự lạc đề của Vũ điệu đường cong. Nhưng có lẽ đó là chủ đích của Vũ Trọng Khoa khi sau gần 40 phút tưởng như đạo diễn “vào” được nhưng “ra” không được, cái kết sẽ lạc đề, thì từ sau phút 40 những nút thắt mở đã bắt đầu được giải quyết, giúp cái kết vừa đủ để sáng tỏ, tránh được sự giáo điều.
Xét về góc độ điện ảnh, phim không nhiều kỹ xảo và cũng không có sự cầu kỳ trong ánh sáng. Nhìn qua cách bài trí và dàn dựng các góc máy sẽ thấy phim không quá chăm chút vào những góc máy đậm tính điện ảnh. Ánh sáng và sự cầu kỳ trong các góc quay đều ở mức bình thường, thậm chí lắm khi người xem có cảm giác đang xem một bộ phim truyền hình.
Nhưng bù lại chuyện thiếu chất điện ảnh trên, chuyện mà rất nhiều phim điện ảnh Việt Nam hiện nay đang gặp phải, Vũ điệu đường cong có sự sáng tạo trong kịch bản, cách dẫn truyện và cách tạo tiếng cười khá duyên. Đặc biệt nếu để ý kĩ, sẽ thấy phim có phần "đá xoáy" về hiện trạng phim ảnh nước nhà (phim truyền hình). Nói chung, Vũ điệu đường cong đủ gia vị cho một công thức phim Tết, cũng là một phim đáng để bỏ tiền ra mua vé xem vào dịp Tết này.
Vũ điệu đường cong sẽ ra rạp toàn quốc từ ngày 20/1 tới