Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lần thứ 3 trong nửa thế kỷ ngư dân bắt được rùa Quản Đồng

(17:19:44 PM 15/01/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Ngày 2/1/2012 vừa qua, tại vùng biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xuất hiện 1 con rùa Quản Đồng. Qua xác minh, đây là con rùa Quản Đồng thứ 3 xuất hiện tại Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua.

Con rùa Quản Đồng bắt được tại Huế dài khoảng 85 cm, nặng khoảng 80 kg. Sau khi bị đánh bắt đã được cơ quan chức năng vận động ngư dân thả ngay ra biển 3 tiếng sau đó.
 
Tìm hiểu thêm, theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là con rùa cực kỳ quý hiếm, lần thứ 3 được thấy trong khoảng nửa thế kỷ qua theo các ghi chép lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hải sản.
 
 

Rùa Quản Đồng ngư dân Huế bắt được đầu năm 2012 và thả ra biển ngay trong ngày.
 
Theo ghi chép, năm 1975 rùa Quản Đồng có xuất hiện 1 lần. Sau 30 năm loài rùa này lại tái xuất lần 2 ở vùng biển Việt Nam. Vào ngày 30/3/2005, ông Đậu Văn Kiểng thôn Xuân Hải, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đã bắt được một cá thể Rùa Quản Đồng, dài mai 95cm; rộng mai 72 cm; cân nặng (ước tính) 80-90kg; tuổi từ 65 đến 68 năm. Sau 10 ngày Rùa được đánh dấu bằng thẻ kim loại vào 2 chi trước rồi thả ra biển.
 
 
Rùa Quản Đồng ngư dân Hà Tĩnh bắt được năm 2005 và thả ra biển sau 10 ngày.
 
Con Rùa vừa phát hiện đầu năm ở Thừa Thiên Huế là con thứ 3 và chưa từng được đánh dấu. Được biết, trong suốt những năm dài qua chỉ có 1 con rùa Quản Đồng quanh quẩn vùng biển Đông - hiện được lưu giữ ở Thái Lan. Những tin tức về Rùa Quản Đồng ở nhiều nơi, qua kiểm tra của cơ quan chức năng thì kết quả không phải là Rùa Quản Đồng.
 
Rùa Quản Đồng có tên khoa học đầy đủ là Caretta caretta Linnacus, 1909, thuộc họ Vích (Chelonidae), tên tiếng Anh Loggerhead turtle, tên tiếng Việt là Rùa Quản Đồng. Bụng rùa lúc nhỏ có màu nâu, lớn lên có màu vàng cam sáng, mai rùa có màu nâu đỏ ánh xà cừ. Có thể nhận dạng thêm: có 6 vảy dọc sống lưng, 5 đôi tấm vảy đều, các vảy chồng khít chứ không phủ lên nhau; cổ to, … Đây là một trong 5 loài cực kỳ quý hiếm có trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Công ước CITES và Sách Đỏ Việt Nam.
 
"Con rùa Quản Đồng ở Huế là con thứ 3 xuất hiện hiếm hoi tại Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua" - theo TS.Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế
 
Cũng theo Ông Bình, gần đây Rùa Quản Đồng trở nên quan trọng cho các mục đích nghiên cứu khoa học, tham quan, học tập, du lịch. Do ngày 02/01 vừa qua rơi vào ngày nghỉ, nên tuy có sự liên lạc để có nhiều giải pháp xử lý khác nhau, như lưu giữ, gắn thẻ điện tử theo dõi, tổ chức hội thảo… nhưng giải pháp thả Rùa Quản Đồng này ra biển ngay lập tức được lựa chọn. Đây là giải pháp “tự nhiên” nhất, cách “ứng xử” tốt nhất đối với động vật hoang dã quý hiếm.
 
Đây là một hành vi đẹp, ý thức cao của ngư dân thôn Phương Diên, có tính giáo dục cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên - môi trường nói chung và các loài động vật hoang dã quý hiếm nói riêng, cần được khuyến khích và khen thưởng.
 
Tuy nhiên, trong việc xử lý ngày 2/1/2012 vừa qua, nhiều phương án đã được bố trí khẩn trương. Nếu người dân không đồng ý thả thì lực lượng Kiểm ngư phải phong tỏa không để xảy ra việc tẩu tán động vật hoang dã này, tiếp tục thuyết phục ngư dân.
 

 

Chi cục Khai thác & BVNL Thủy sản cùng ngư dân đưa Rùa lên thuyền để ra biển thả lại
 
Theo điều 11, Nghị định 31/2010/NĐ-CP, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển theo quy định của Công ước CITES và các loài thuộc danh mục bảo vệ của Sách đỏ, bị phạt 20 đến 25 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật và thậm chí tịch thu cả phương tiện tàu cá nếu tái phạm.
 
Do đó, công tác tuyên truyền đến ngư dân cần được nâng cao hơn nữa. Khi đánh bắt ngư dân không biết thì không có lỗi, vì có cả hàng ngàn loài khác nhau ngoài biển, nhưng khi đã biết, thì cần tuân thủ pháp luật, tránh bị xử lý theo pháp luật.
Đại Dương/Dân trí