Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thay đổi cuộc đời gấu
14 cá thể gấu vừa được “giải cứu” trước đây thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Tiến (xã Vĩnh Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ông Tiến là trường hợp chủ nuôi gấu đầu tiên tại Việt Nam giao lại không điều kiện đàn gấu cho cơ quan chức năng. TS Tuấn Bendixsen – Giám đốc TT Cứu hộ gấu VN đánh giá rất cao hành động này và ngay lập tức cử cán bộ, nhân viên vào Bình Dương để đón đàn gấu ra Tam Đảo.
Chăm sóc cho gấu sau khi được cứu hộ từ trại nuôi nhốt lấy mật. Ảnh: V.H |
Những chiếc container khoét rỗng, chia ô là nơi trú ngụ của đàn gấu được di chuyển từ Bình Dương đưa về khu cách ly thuộc TT Cứu hộ gấu VN. Từng cá thể gấu được kiểm tra sức khỏe để đưa ra cách điều trị thích hợp. Chị Kivsty Officev – bác sĩ thú y của TT cho hay: “Giống như nhiều cá thể gấu khác từng được trung tâm cứu hộ.
14 cá thể gấu lần này mang nhiều bệnh tật do di chứng của những năm bị nuôi nhốt lấy mật”. Theo chị Kivsty, gấu thường bị ảnh hưởng nặng đến hệ tiêu hóa do thường xuyên bị chọc kim dài vào bụng để hút mật, hệ vận động dần thoái hóa do bị nhốt trong lồng chật hẹp, bộ răng bị hỏng vì ăn các thức ăn không hợp. Có những cá thể gấu bị đứt chi do bị người dân đặt bẫy bắt.
Sau khi được chăm sóc, điều trị trong khu cách ly, gấu sẽ được nuôi tại khu bán hoang dã. TS Tuấn Bendixsen cho hay chi phí để chăm sóc mỗi cá thể gấu tại TT trung bình 300USD/tháng. Có thể nói, cuộc đời của những cá thể gấu được cứu hộ đã có bước ngoặt tích cực hơn: Từ chỗ là công cụ hút mật trở thành gấu được “trả lương” 300USD/tháng.
Đường về thiên nhiên còn xa
Hiện TT Cứu hộ gấu VN đang chăm sóc, nuôi dưỡng 98 cá thể gấu, trong đó có 20 gấu con. Đây là số lượng gấu tiệm cận mức trần mà TT có thể tiếp nhận khi đưa vào vận hành giai đoạn 1.
TS Tuấn Bendixsen cho hay, toàn bộ TT được đầu tư 3,3 triệu USD do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng từ năm 2008 với khả năng tiếp nhận tối đa 100 cá thể gấu. Sau khi giai đoạn 2 hoàn thành, TT có thể đón 250 cá thể. Theo TS Tuấn Bendixsen, TT nhận được sự ủng hộ rất tích cực của Chính phủ, Bộ NNPTNT và đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả của Cục Kiểm lâm.
Tuy nhiên, việc cứu hộ gấu đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại TT mới hoàn thành việc “giải cứu” gấu. Mục tiêu cuối cùng là phải đưa được gấu về với thiên nhiên hoang dã. TS Tuấn Bendixsen cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu này. Bởi lẽ hầu hết cá thể gấu đều bị nuôi nhốt quá lâu, giảm sút bản năng tự sinh tồn ngoài tự nhiên, có cá thể thậm chí còn không trèo được lên cây. Vì vậy, nguy cơ chúng bị săn bắt trở lại là rất cao”.
Hiện TT mới có dự kiến sau một thời gian chăm sóc, phục hồi đàn gấu sẽ phối hợp cùng Bộ NNPTNT nghiên cứu thí điểm thả gấu về một khu vực tự nhiên được quy hoạch.