Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bộ trưởng nội vụ Ken Salazar (giữa) được hoan nghênh sau khi công bố lệnh cấm các mỏ khai thác uranium mới ở hẻm núi Grand Canyon trong 20 năm - Ảnh: AFP |
Bộ trưởng nội vụ Ken Salazar đã công bố lệnh cấm của ông Obama vào ngày 9-1 tại Bảo tàng Địa lý quốc gia ở Washington. Bộ trưởng Salazar nói tuy uranium vẫn là phần quan trọng trong chiến lược năng lượng toàn diện của Mỹ, nhưng Grand Canyon là một báu vật quốc gia cần phải bảo vệ.
“Lệnh cấm là quyết định hoàn toàn đúng đắn với cảnh quan vô giá này của Mỹ. Nhiều người, từ trong nước đến thế giới, đều đến tham quan Grand Canyon. Hàng triệu bộ lạc người Mỹ da đỏ xem nơi này là chốn linh thiêng, hàng triệu người trong lưu vực sông Colorado phụ thuộc vào nguồn nước ở đây”, Bộ trưởng Salazar nói. Theo ông Salazar, lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến hơn 3.000 mỏ đang hoạt động hiện nay.
Khu vực bị cấm khai thác gần hẻm núi Grand Canyon có diện tích 400.000 ha, có nhiều mỏ quặng uranium cao cấp, chiếm tới 40% lượng uranium trên toàn nước Mỹ và trị giá hàng tỉ USD. Trong những năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông George W.Bush, vào thời điểm giá uranium tăng cao, các công ty mỏ đã yêu cầu được khai thác hàng ngàn điểm mới ở đây và đề xuất nối lại hoạt động ở những khu mỏ cũ. Cựu tổng thống George W Bush đã đồng ý những yêu cầu này.
Năm 2009, sau khi ông Obama lên nắm quyền, Bộ trưởng Salazar đã đảo ngược chính sách của ông Bush bằng việc cấm khai thác mới hai năm ở khu vực này. Năm 2011, ông tiếp tục gia hạn lệnh cấm thêm sáu tháng. Đề xuất cấm khai thác uranium tại Grand Canyon trong 20 năm được soạn thảo vào tháng 10-2011.
Các ý kiến chỉ trích, chủ yếu từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và ngành công nghiệp mỏ, cho rằng lệnh cấm khai thác sẽ làm giảm đi hàng trăm công việc và khiến đất nước thiếu hụt nguồn năng lượng quan trọng. Tuy nhiên, những nhà môi trường học bảo vệ lệnh cấm, cho rằng nó mang lại lợi ích kinh tế và bảo đảm cuộc sống con người.
Hằng năm hẻm núi khổng lồ ở bang Arizona này thu hút hơn 4.000.000 du khách và thu về khoảng 3,5 tỉ USD. Theo các nhóm môi trường, khoảng 26 triệu dân Mỹ sống ở các thành phố gần đó như thủ phủ Phoenix bang Arizona, thành phố Los Angeles, California có nguồn nước uống dựa trên dòng sông Colorado.