Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lá thư

(09:14:00 AM 08/01/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - “Cha, mình phải tìm bà ấy cha ạ!”.


“Biết là ai, ở đâu mà tìm? Thôi bỏ đi”. Cha tôi dứt khoát, giơ tay cầm lấy lá thư và cất vào ngăn tủ. Người già ai cũng có một hoặc vài ngăn tủ, giấu kín trong đó những thứ mà người trẻ nếu nhìn thấy thường sẽ bật cười: vài tờ báo, cuốn sổ tay, cái băng cassette, hộp diêm quẹt... thứ nào cũng cũ xì, meo mốc, phơi ra ngõ không ai thèm lấy. Nhưng người già sẽ khư khư với cái ngăn tủ báu vật đó, không cho ai chạm tới.

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

 

Trước đây, ông nội tôi cũng có một cái tủ như vậy. Cái tủ sứt sẹo, hư ổ khóa, ông nội lụi cụi lấy kẽm ràng lại. Mỗi lần nhìn ông nội lén lút săm soi mấy thứ đồ trong tủ, giấu đi khi thấy có người, rị mọ ngồi ràng rịt tay cầm của hai cánh cửa tủ là tôi cười thầm. Có khi tôi chọc: ai mà thèm động vô, mệt ông quá!

 

Rồi đến một ngày tôi phải tự tay động vô, tỉ mẩn lôi ra từng thứ, sắp xếp lại, quyết định xem cái nào sẽ mang theo cho ông, cái nào bỏ đi, cái nào giữ lại làm kỷ vật. Tình cờ trong xấp giấy tờ mục nát tôi thấy lá thư, tôi biết ngay là thư của đàn bà, những dòng chữ đã nhòe nhoẹt với thời gian. Chỉ một mảnh thư, có lẽ đã bị xé ra hay là phần còn sót lại, độ ố vàng của giấy và mức lem nhem của chữ cho thấy bức thư đã được viết từ rất lâu rồi, nhưng lời lẽ thì như mới hôm qua: ...Nhìn thấy anh trong nhà bảo sanh mà em không dám kêu một tiếng. Em biết anh cũng đưa chị đi sanh, chị nằm cách em có một gian phòng. Nghĩa là anh ngồi cách em cũng có một gian phòng. Mà chị ấy thì có chồng chăm sóc, cháu nó có cha chờ đợi... Còn con em và em, mẹ con em cô quạnh quá!... Em không muốn phá vỡ hạnh phúc của ai hết, ngay cả lúc em được quyền ích kỷ nhất em cũng đã không ra mặt nhận anh. Em chỉ viết thư này để báo cho anh biết anh có hai đứa con ra đời trong cùng một ngày, dù anh có muốn biết hay không...

 

Tôi đưa lá thư cho cha và mẹ đọc, mẹ tôi cười tủm tỉm, bảo ông nội vậy mà đào hoa ghê! Cha tôi đón nhận sự xuất hiện đột ngột của một người thân chưa biết mặt với vẻ trầm ngâm, bần thần, rồi một lúc sau ông nói ngắn gọn: ‘’Chuyện ong bướm đàn ông mà, biết làm sao! Thôi, cứ coi như mình chưa biết gì’’.

 

Tôi ngẩn người. Tự hỏi sao cha mẹ tôi có thể thờ ơ như vậy? Lá thư cho thấy rõ rành rành là cha tôi có một người anh, chị, em gì đó mà ông chưa biết mặt. Người đó có thể đang có cả đống con cháu ruột rà mà tôi chưa biết mặt. Có thể họ không đơn chiếc như gia đình tôi hiện thời. Tôi bị ám ảnh bởi sự tưởng tượng về những người thân đông đúc. Và trên hết cả, tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện trong lá thư của người đàn bà. Người đàn bà nằm lẻ loi trên giường sinh con, nhìn tình nhân chăm sóc vợ mình... Tôi cứ nghĩ ngợi, có khi nhận thấy mắt mình rớm lệ. Cha nói đúng, tôi là người đa cảm.

 

Nhiều khi không nhịn được, tôi buột miệng: ‘’Cha nè, ông nội thật là bạc! Bao nhiêu năm nay cứ vô tình như không biết gì. Lòng dạ đàn ông, tàn nhẫn quá!’’. Cha lừ mắt, tôi im, không dám nói nữa.

 

Tôi đem chuyện nói với mẹ, xui mẹ nhắn tin trên báo tìm người thân. Mẹ hỏi mình nhắn tìm bà ấy với vai trò gì? Rồi căn cứ vào đặc điểm gì để tìm? Vì ngoài lá thư không đầu không đuôi, không tên người gửi, mình có chút manh mối gì đâu? Tôi thất vọng lắm, cứ nghĩ mãi cách, mong tìm được người đàn bà đó. Tôi tưởng tượng mông lung, đó ắt hẳn phải là một người đàn bà đẹp, dịu dàng và nhẫn nhục nữa... Ai lại có thể hi sinh bản thân mình như thế?

 

Tôi hỏi mẹ, nếu gặp phải người chồng như ông nội, mẹ có tha thứ và tìm người đàn bà đó để chăm sóc, giúp đỡ hay không? Mẹ chỉ cười nhạt: “Khi nào con có chồng thì con tự biết’’.

 

Rồi dần dần tôi cũng nguôi sự háo hức muốn tìm kiếm người hay “những người’’ đó, mãi nhiều năm sau tôi gần như đã quên mất họ, cho đến ngày... mẹ tôi mất. Ngay sau ngày mẹ mất, tôi lại sực nhớ ra. Tôi bảo: “Cha, mình phải tìm bà ấy cha ạ!”. Cha tôi đôi lúc ngần ngừ, nhưng ông không có vẻ gì là thuận ý với tôi cả.

 

Hôm đó, cha đột ngột phải nhập viện vì một cơn đau bất thần, tôi luống cuống. Cái luống cuống, sợ hãi của một đứa con đơn độc. Tôi chạy vội về nhà từ bệnh viện, lục lọi “ngăn tủ người già” mà tôi hay cho là buồn cười của cha, tìm chỗ cha đã cất lá thư, tôi muốn tìm họ, tìm họ ngay lập tức, chưa biết bằng cách nào, không biết để làm gì, nhưng tôi quyết phải tìm cho bằng được.

 

Tôi không chỉ tìm được một trang thư như ban đầu mà nguyên vẹn cả bức thư dài bốn trang, liền mạch, cùng một nét chữ, một loại giấy, đã được ai đó sắp xếp lại theo thứ tự từ đầu đến cuối, dễ đọc, dễ hiểu hơn, có đầy đủ tên người gửi, ngày tháng gửi thư... Tôi đọc, đọc, đọc... Đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới hiểu được bức thư đó chính xác không phải gửi cho ông nội. Ông nội chỉ gỡ ra trang thư có thông tin về nhà bảo sanh và đứa trẻ, còn lại những dòng thư đau đớn và đầy trách cứ khác ông vẫn giữ nguyên. Và người nhận là tên của cha tôi.

 

Tôi hỏi cha khi ông tỉnh lại trong bệnh viện, rằng mười lăm năm nay, kể từ ngày có được mảnh thư bị giấu đi đó, sao cha không đi tìm bà ấy? Cha tôi chỉ nói được vài lời sau rất nhiều giây im lặng: “Vì cha thấy không có cách nào để chuộc lỗi”.

PHAN NGỌC DIỄM HÂN