Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Võ Tuấn Nhân, mục đích của đợt giám sát là đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu. Ngoài các chuyến làm việc tại ba miền (Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Lào Cai...), đoàn cũng sẽ nghe báo cáo từ các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, đoàn giám sát của Quốc hội sẽ thu thập các thông tin để xây dựng báo cáo độc lập với báo cáo của Chính phủ.
Hình ảnh bãi tập kết quặng lậu tại Cao Bằng. Ảnh: Kiên Trung |
Nội dung giám sát tập trung làm rõ hiện trạng khai khoáng, vấn đề ô nhiễm môi trường tại những nơi khai thác khoáng sản, giải pháp xử lý. Kết quả sơ bộ sẽ được báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2012 và báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Tham gia đoàn giám sát có thành viên các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là chuyên gia đại diện cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng một số viện nghiên cứu.
Hoạt động khai thác khoáng sản trên cả nước thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế: cấp phép tràn lan, khai thác trái phép, nhất là đối với khoáng sản quý hiếm, khoáng sản kim loại dẫn đến mất an toàn lao động, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là vấn đề từng làm nóng các phiên thảo luận của Quốc hội khóa 11.
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ tháng 10/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép, hoặc đang khai thác, dự án nào không đảm bảo các yêu cầu đặt ra, gây bức xúc cho người dân, không đúng quy hoạch… phải dừng lại ngay. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý để thực hiện tốt Luật Khoáng sản.