Ông Shao Xiongfeng – Đại diện cơ quan công nghiệp thành phố Đông Quản (tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc) cho hay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông đã thu giữ gần 600 sản phẩm dầu lạc giả. Kết quả kiểm tra tại một cửa hàng đã phát hiện, 6 trong số 20 thương hiệu dầu lạc có vấn đề.
Tất cả các sản phẩm bị thu hồi được nhà máy thực phẩm Yonglong sản xuất. Việc làm này được tiến hành sau khi một phóng viên của Nhật Báo Souhern Metropolis đã phát hiện một cơ sở sản xuất tìm cách xử lý hơn 4 tấn dầu ăn không đạt chuẩn.
Ảnh chụp tại cơ sở sản xuất dầu lạc giả |
Nhà máy này đã pha trộn dầu đậu tương, dầu cọ không rõ nguồn gốc, tinh dầu và dầu hạt bông thô. Tinh dầu được bổ sung vào để tạo mùi giống với dầu lạc, trong khi dầu hạt bông vải được sử dụng để có chất lỏng giống như dầu lạc. Các bác sĩ cho biết, dầu hạt bông thô có thể dẫn đến vô sinh.
"Dầu hạt bông chưa tinh chế được đánh giá là độc hại và các thí nghiệm đã chứng minh chất độc đó ảnh hưởng đến tinh trùng và gây vô sinh ở nam giới”, ông Wang Xingguo, giám đốc bộ phận dinh dưỡng tại Bệnh viện Trung ương thành phố Đại Liên cho hay.
Giá 5 lít dầu lạc thật trên thị trường khoảng 100 nhân dân tệ (tức khoảng 15.9 USD hay hơn 300.000 đồng).Còn dầu lạc giả được sản xuất từ nhà máy trên được bán ở mức 92 nhân dân tệ. Tuy nhiên, chi phí của các nguyên liệu chỉ bằng 1/3 mức giá trên.
Các sản phẩm sau khi được đóng gói và dán nhãn hiệu rất khó phân biệt với các sản phẩm dầu lạc thật nổi tiếng như Master Kong, Tingyi. Dầu giả được sản xuất và bán cho các cửa hàng hoặc nơi sản xuất thục phẩm ở Quảng Đông, Hồ Nam và Giang Tây.
Đây không phải là lần đầu tiên dầu lạc giả được tìm thấy ở Quảng Đông. Trong tháng 3/2011, cảnh sát ở thành phố Thiều Quan đã phát hiện một cơ sở sản xuất dầu lạc giả khác từ đậu tương, tinh dầu và chất tạo màu sắc. Kết quả, hơn 700 sản phẩm giả bị tịch thu. Trong năm 2008, kết quả kiểm tra chính thức cho thấy, hơn 70% mẫu sản phẩm dầu lạc mua từ các chợ địa phương không đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.