Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Không phụ lòng mong mỏi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ kiệt quệ về tinh thần lẫn thể xác, chứng khoán trong phiên giao dịch cuối năm 2011 đã chào đón năm mới bằng màu xanh - một thứ sắc xanh tai tái gần giống như bức tranh phai màu vào thời điểm sát Tết năm 2010 và 2011. Những lời cầu chúc cho năm mới bình yên và thắng lợi, những khuyến nghị "mua con này, gom con kia, múc con nọ" lại hồ hởi và đon đả thoát ra từ các nhà đầu tư hút chết.
Lại cảm ơn Hoàng Anh Gia Lai!
Ít nhất, phiên giao dịch sát Tết dương lịch và rất có thể cả vào thời điểm sát Tết âm lịch phải được thay thế cho "lời nguyền" rất mẫu mực của một nhà đầu tư "Thị trường hai tháng nay chỉ có mỗi một phiên xanh, còn lại cứ đỏ choe đỏ choét như là đến tháng ấy".
Lẽ dĩ nhiên, khi trích dẫn "lời nguyền" trên, chúng tôi cần thành tâm xin lỗi độc giả bởi tính chất có vẻ hơi thiếu văn hóa của nó.
Cùng với lời xin lỗi trên và cùng với sự tung hô của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, chúng tôi lại một lần nữa thấy cần bày tỏ "lòng biết ơn" đối với ông Đoàn Nguyên Đức về hành động "cứu vớt" thị trường, khi tại cái đáy tạm gần đây nhất của chỉ số, ông Đức đã hào phóng tuyên bố sẽ dùng hơn 80 tỷ đồng để mua lại 5 triệu cổ phiếu HAG.
Trước đó, vào cuối tháng 5, thị trường cũng đã bị đánh xuống không thương tiếc, khiến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị một phen kêu khóc dậy đất trên diễn đàn.
Tình cảm "tiếc thương vô hạn" chỉ chấm dứt khi ông Đoàn Nguyên Đức bất ngờ phát đi thông điệp mua vào 3 triệu cổ phiếu HAG với giá trị gần 100 tỷ đồng vào tuần cuối tháng 5. Kể từ đó, thị trường cũng bất thần bật dậy như chạm điện, tăng đến hơn 20% mà không mấy người hiểu vì động lực thực chất nào.
Chỉ sau đó, khi các công ty chứng khoán đã xả ngon lành hàng chục ngàn tỷ đồng cổ phiếu giải chấp lên đầu nhà đầu tư nhỏ lẻ để có tiền thanh toán cho ngân hàng thương mại vào đúng thời hạn mà tỷ lệ nợ phi sản xuất của ngân hàng phải kéo giảm về mức 22% theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước.
Lần này cũng vậy, cũng một kịch bản đánh xuống đầy tang thương, với động cơ không phải gì khác là nhằm gom hàng.
Đặc biệt hơn, bối cảnh đánh xuống thị trường lại hiện ra bất chấp lời trấn an của bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về viễn cảnh sẽ hồi phục dần TTCK trong năm 2012.
Hiển nhiên là đã có bàn tay đạo diễn cho vở kịch "Âm mưu và tình yêu" - điều mà chúng tôi đã nhắc tới trong nhận định tuần trước, cũng như dự báo về khả năng sẽ có một con sóng tăng theo kiểu "từ thiện" vào giai đoạn trước Tết âm lịch.
Ai ăn Tết và ai "ăn" cổ phiếu?
Ở Việt Nam, Tết là một khái niệm thiêng liêng. Không thể ngày nào mở mắt ra cũng như đêm Ba Mươi. Dù trong nguyên năm đã xảy ra biết bao điều tồi tệ, cám cảnh, dù đã có những cái chết "không rõ nguyên do" và không ít đại gia phải nhận viện tâm thần bởi nguyên do xác đáng là hệ thống não bộ bị tổn thương trầm trọng do những sang chấn từ thua lỗ chứng khoán, nhưng Tết vẫn là Tết, vẫn cần được tất cả các đẳng cấp, giai cấp trong xã hội tôn trọng.
Cái thiêng liêng của Tết thể hiện không chỉ bởi giá trị tinh thần mà còn bởi những giá trị cụ thể của vật chất - vốn là chân đứng của tinh thần.
Cũng bởi thế, người giàu cũng biết ăn Tết năm 2012 chứ không chỉ biết khóc cho năm 2011.
Mà một khi người giàu hưởng Tết thì đương nhiên thị trường phải được "hưởng sái". Cũng có nghĩa là những người nghèo, dù có thể đã bị móc sạch túi trong năm, vẫn còn đôi chút cơ hội để "kiếm chút cháo" - như một thành ngữ của giới đầu tư nhỏ lẻ.
Chỉ có điều, chẳng nhà đầu tư nhỏ lẻ nào hình dung được con đường rồi sẽ dẫn đến đâu. Thị trường lên được ngày nào hay ngày nấy, nhà đầu tư cũng hưởng niềm vui lây lất, chứ không thể hình dung được giấc mơ nửa đen nửa trắng ấy có "mơ lượng" 20% hay chỉ 10%, sẽ biến thành "sóng tăng dài hạn" hay chỉ đơn giản là "Tôi có một giấc mơ" như diễn từ của mục sư Luther King.
Nhưng cho dù có nhận chân được tính dễ tan vỡ của giấc mơ, vẫn không có nhiều nhà đầu tư kềm chế được tình cảm hỗn mang của mình. Sợ hãi xen lẫn tham vọng, nhất là tham vọng lại rất dễ biến thành xúc cảm tham lam khi thị trường cứ đi lên, bất chấp nhà đầu tư đã thề thốt bán cổ phiếu lần cuối cùng để tất toán cho Tết và cho cả vợ con.
Cũng chẳng khác mấy con sóng tăng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9/2011, những ngày sắp tới đây thị trường có thể đón nhận tin vui về giảm lãi suất. Thế là không nhiều thì ít, lại có một dòng tiền mới, khởi hành từ kênh gửi tiết kiệm, tuôn vào nơi được gọi là "đáy" của thị trường chứng khoán.
Tình cảm "bắt đáy" càng trở nên một thứ sang chấn khó chế ngự khi những kẻ thao túng thị trường đã chấp nhận hy sinh những đối tượng làm giá BVH, MSN, chấp nhận bỏ ra một chi phí vốn đáng kể để thị trường đi lên có vẻ "thực chất" hơn. Rồi có thể thêm một ít gia vị tin đồn này nọ theo chiều hướng tích cực...
Bài bản khuyến dụ không mấy thay đổi, bản chất hám lợi của nhà đầu tư cũng không bị suy xuyển. Mà chỉ có sự đổi thay sẽ đến khi hương sắc của mùa Xuân đã trôi qua.
Trong một thị trường mà tính minh bạch được coi là thứ "xưa nay hiếm", một thị trường đã quá lâu chìm trong căn bệnh tha hóa trầm trọng về tư cách, cùng với thói quen "im lặng trung hạn" của Ủy ban chứng khoán nhà nước, một thị trường mà bản lĩnh của nhà đầu tư chỉ còn đơn thuần là tâm trạng trông ngóng vào thế lực "siêu nhiên"..., thì không có gì là không làm được.
Cũng như tất cả những trò đỏ đen đã khiến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ lãnh phải "củ xả" trong hơn một năm qua.
Và cũng như bao lần khác, vào lần này, dấu chấm hết sẽ hiện ra khi con sóng từ thiện kết thúc những vòng xoáy ảo ảnh của nó.
Khi đó, tất cả mọi người sẽ rõ trắng đen là ai đã ăn Tết, còn ai phải "ăn" cổ phiếu.