Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Túp lều - “tổ ấm” của vợ chồng thầy cô Tống Văn Hương - Đào Thị Địa (Trường tiểu học Bắc Ka Lăng, xã Tá Bạ, Mường Tè, Lai Châu) - Ảnh: Đ.Bình |
Sau gần hai ngày đi xe cật lực, vượt những đèo dốc dựng ngược, những ngầm suối lổng chổng đá hộc, chúng tôi mới đặt chân đến các trường thuộc các xã vùng biên giới cực Tây, nơi “con gà gáy cả ba nước (Việt - Trung - Lào) cùng nghe”.
Những túp lều bên vách núi...
Bên vách núi trung tâm xã Tá Bạ (huyện Mường Tè, Lai Châu), một túp lều tranh ẩn hiện trong mây mù. Thầy Tống Văn Hương (Trường tiểu học Bắc Ka Lăng) sống trong túp lều tranh luôn phải đóng kín nói: “Mây mù suốt ngày, không bịt kín thì quần áo, đồ vật ẩm ướt hết”.
Túp lều là “tổ ấm” của thầy Hương và vợ là cô Đào Thị Địa (Trường mầm non Tá Bạ), nhưng tổ ấm này không thể ấm bởi quanh năm giá lạnh, bởi người vợ phải dạy ở điểm Trường bản Nạ Pê cách trung tâm xã ba giờ đi bộ xuyên rừng. Ở cùng một xã, nhưng không thể gặp gỡ thường xuyên nên cô Địa phải tranh thủ gặp chồng trong những chuyến đi mua thực phẩm. Nghỉ được một tối với chồng rồi sáng sớm hôm sau lại một mình lặn lội ba tiếng đi bộ về trường.
Cuộc sống của hầu hết những cặp vợ chồng giáo viên vùng cao là thế. Nhưng dù sao với thầy Hương - cô Địa đều là người sinh ra lớn lên ở đất Mường Tè nên còn có thể quen cuộc sống này, với giáo viên từ các tỉnh đồng bằng lên thì nỗi vất vả còn nhiều hơn. Vợ chồng thầy Phạm Văn Long - Nguyễn Thị Quyên đều là người Hải Dương, học cùng trường sư phạm, cùng ra trường và tình nguyện lên vùng cực Tây dạy học từ năm 1999.
Không thể nói hết những khó khăn mà vợ chồng thầy phải đối mặt khi đến Mường Tè, chỉ biết rằng “bữa ăn chỉ cơm trắng với muối, lạc, nhiều bữa phải lấy lá chuối nấu thay canh”. Quá khó khăn, thiếu thốn, năm 2004, khi sinh con được thời gian ngắn, cả hai vợ chồng đành bấm bụng gửi con về quê cho ông bà nuôi.
Không có thưởng tết
Qua cả chục trường học từ Mường Tè (Lai Châu), rồi sang mảnh đất ngã ba biên giới Mường Nhé (Điện Biên), hầu hết các trường đều không có thưởng tết, họa hoằn mới có trường trích quỹ in mấy chục tờ lịch treo tường để thưởng cho giáo viên.
Thầy Phạm Văn Long tâm sự: “Lương của giáo viên vùng cao có trên chục năm công tác như vợ chồng tôi cũng được 5-6 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với một mớ rau xanh giá 10.000 đồng, 150.000 đồng/kg thịt heo... mới thấy khoản lương này chỉ đủ chi cho cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ ở vùng cao”. Mấy năm nay, vợ chồng thầy Long rất ít khi về quê ăn tết. Bởi đường sá xa xôi, nghỉ tết được bảy ngày thì không đủ thời gian đi về Hải Dương. Rồi chi phí tàu xe, rồi bao mặc cảm “đi làm ăn xa” mà về quê không quà cáp ông bà nên đã năm cái tết hai vợ chồng phải sống xa quê.
Cô giáo trẻ Hoàng Thanh Tâm (quê Phú Lương, Thái Nguyên) cũng bồi hồi nhớ lại cái tết đầu tiên khi vào nghề (năm 2005): “Trường chẳng có quỹ để thưởng, bữa liên hoan cuối năm, người góp con gà, người mớ rau, người chai rượu, cùng nấu nướng tổ chức liên hoan”. Theo cô giáo Tâm, nếu ai đó có về quê dưới xuôi thì món quà duy nhất vẫn là cành đào bẻ ven rừng.
Trong số các trường chúng tôi qua, có lẽ may mắn nhất là Trường tiểu học xã Pa Ủ (Mường Tè), mấy năm nay trường có thưởng tết là một tờ lịch treo tường.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn, hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Pa Ủ, bộc bạch: “Để có thưởng tết, hằng tháng giáo viên đóng một khoản quỹ gọi là... quỹ giáo viên. Cuối năm trích quỹ in lịch để tặng mỗi thầy cô một tờ. Giáo viên nào đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua được thưởng thêm 50.000 đồng nữa. Dịp tết, nếu trường nào may mắn được phòng giáo dục huyện đến thăm thì cũng được thêm (coi như thưởng) một thùng bánh kẹo, vài bao thuốc lá...”.