Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Báo động an toàn, vệ sinh thực phẩm trong dịp tết

(09:22:34 AM 05/01/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Vừa ngỏ ý mua một ít hàn the về làm giò chả cho… tăng thêm gia vị ngày tết, bà chủ hàng hóa chất phụ gia (HCPG) ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đưa luôn một bịch cả kí lô đon đả nói: “Có 100.000 đồng thôi, tha hồ mà dùng cả năm. Không giòn dai trả tiền lại”… Thì ra, mua HCPG ở Hà Nội cũng dễ dàng chẳng khác mấy ở chợ Kim Biên (Q5, TPHCM).

  

 

Cứ cho vào là ngon hết

Tại khu bán hàng khô chợ Đồng Xuân (Hà Nội) các loại nguyên liệu, hóa chất làm bánh, mứt, kẹo bày tràn ra cả lối đi. Lấy ra một túi ni lông chứa ít bột vàng như nghệ, một chủ hàng giải thích rằng nó được sản xuất ở nước ngoài, không chỉ tạo màu bánh kẹo mà còn giúp thực phẩm thơm ngon, bảo quản được lâu.

 

Chúng tôi mua một gói nguyên nhãn mác, chủ hàng lấy ra một hộp nhựa như hộp chè, trên bao bì toàn chữ Trung Quốc, không hề có hạn sử dụng, hướng dẫn và nhãn phụ bằng tiếng Việt. “Làm bánh gì cứ cho thứ này vào là ngon hết. Thiên hạ dùng hà rầm kìa”, chủ hàng trấn an. Nhiều loại phụ gia dùng để tẩm ướp các món nướng, món lẩu cũng được bán tràn lan mua bao nhiêu cũng có.

 

Tại chợ Hàng Bè, mặt hàng phụ gia “bột ninh nhừ” được khá nhiều người hỏi mua vì theo nhiều chủ hàng có tác dụng làm thức ăn chín nhanh. Thậm chí khi luộc bánh chưng cho ít bột này chỉ cần 2 giờ là chín thay vì 4-5 giờ.

 

Trong vai chủ cơ sở chế biến lạp xưởng phục vụ tết, chúng tôi ghé qua chợ Kim Biên (Q5, TPHCM) hỏi mua phụ gia làm lạp xưởng vừa ngon vừa để được lâu, anh giữ xe nói gọn lỏn: “Đầy chợ!”.

 

Tạt vô sạp C.T, cô bán hàng khoe một bình 5 lít không nhãn mác chỉ ghi bằng bút lông ngoệch ngoạc: “hương thịt heo”. “Cứ 10kg lạp xưởng, xúc xích, cho 1 muỗng cà phê này vào, ngọt lừ mùi thịt heo để vài tháng không mốc”, cô bán hàng nói. Lấy lý do phải dự trữ thịt heo, bò và cả nội tạng chế biến phục vụ mấy ngày tết sắp tới, cô bán hàng nhanh nhảu: “Có formol đây, giữ bao lâu chả được”.

 

Ghé qua cửa hàng C.P, than thở quán phở gia đình chưa bắt khách, bà chủ cửa hàng lôi ra một bình nhựa khoảng 250ml đề nhãn bên ngoài “hương thịt bò” có xuất xứ Singapore nhưng không có hạn sử dụng và nhà nhập khẩu, phân phối. Với 250.000 đồng/chai 1 lít, bà chủ cho biết nấu được 100 nồi bún bò hoặc phở to tướng. Tính ra, mỗi nồi bún, phở bò chỉ cần nêm chừng 2.000 đồng HCPG là thơm phức.

 

 Một người bán hóa chất, phụ gia giới thiệu đủ loại hương liệu ở chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM). Ảnh: Tg.Lâm

 

Gặm nhấm sức khỏe

Tháo bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm 2011 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TPHCM ghi nhận trong số 299 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm hàn the có 42 mẫu (chiếm 14,5%) không đạt tiêu chuẩn vệ sinh; 33,3% số mẫu bột ớt, hạt dưa chứa Rhodamine B vượt chuẩn cho phép; 20% tổng số mẫu nước tương, tương ớt vẫn chứa hóa chất 3-MCPD vượt chuẩn... “Đó là mẫu thôi, còn thực tế thị trường chưa thể nói hết”, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, ngán ngẩm nói.

 

“HCPG do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 5% thị trường, còn lại là nhập khẩu và nhập từ Trung Quốc chiếm tới 30%. Trong 3 năm qua đã có 191.919 tấn phụ gia nhập khẩu theo đường chính ngạch vào Việt Nam. Cơ quan chức năng phát hiện 1.251 tấn phụ gia nhập khẩu không đạt chất lượng. Có nhiều loại HCPG thực phẩm nhập lậu cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được. Đây thực sự là mối nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng người dân”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết. 

 

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Trung tâm Kiểm nghiệm sắc ký TPHCM, lo ngại hiện nay người ta mua hóa chất phụ gia còn dễ hơn mua kẹo và sử dụng vô tội vạ. Thực phẩm có hóa chất thường bắt mắt, ngon thơm nhưng dùng quá liều lượng sẽ tàn phá sức khỏe, gây bệnh tật. Thế nhưng, HCPG thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, ngành y tế địa phương chỉ được ủy quyền chứ chưa được “phân cấp, phân quyền”. Do đó, ngành y tế địa phương luôn có tâm lý thờ ơ.

 

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc quản lý HCPG thực phẩm trên quầy sạp chỉ là… chuyện đã rồi, còn nguồn nhập khẩu đến nay vẫn chưa siết chặt. Xét về quản lý kinh doanh, các sạp kinh doanh HCPG thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Nhưng xét về đặc tính mặt hàng lại thuộc Sở Y tế quản lý. Và hóa chất công nghiệp thì liên quan tới chức năng của Sở Công nghiệp. Trách nhiệm quản lý HCPG liên quan đến 3 đơn vị nhưng thực tế đang diễn ra tình trạng… cha chung không ai khóc.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), bún, phở, giò chả, bánh su sê có sử dụng hàn the chiếm tỷ lệ gần 16%. Nhiều mẫu đồ khô, mứt, dưa muối, bánh bao, phô mai, sữa tiệt trùng… có sử dụng chất phụ gia hoặc nhiều chất phụ gia cùng lúc với mức sử dụng quá giới hạn cho phép từ 20% đến 40%.

Tường Lâm - Quốc Khánh (SGGP)